Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – Vì niềm tin người gửi tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng tài chính như thế nào? |
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - 24 năm vun đắp giá trị cốt lõi
Ngày 9/11/1999 đã đi vào lịch sử hoạt động ngân hàng với Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ - đánh dấu sự xuất hiện tổ chức chuyên trách triển khai chính sách Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày nay, với tầm vóc của tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước lớn mạnh cùng hệ thống ngân hàng, bảo hiểm cho khoảng 99 triệu lượt người gửi tiền tại gần 1.300 tổ chức tính dụng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vững bước trong giai đoạn phát triển mới |
Luôn xác định người gửi tiền ở vị trí trung tâm, các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi đều hướng tới bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi cho họ. Các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi như: Cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra, giám sát, quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng... được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai đồng bộ trên cơ sở bám sát "vòng đời" của tổ chức tín dụng từ khi thành lập - hoạt động - rút khỏi thị trường. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn tham gia kiểm tra chuyên sâu các quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ chức năng thanh tra - giám sát của Ngân hàng Nhà nước, từ đó góp phần lành mạnh hóa hoạt động của loại hình tín dụng hợp tác chủ yếu phân bổ ở khu vực nông thôn, gắn với kinh tế nông nghiệp, tiểu thương.
Với mạng lưới hoạt động trải đều trên các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có thể thấy, ở đâu có tổ chức tín dụng, ở đâu có người gửi tiền - ở đó có Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo đảm cho chính sách bảo hiểm tiền gửi đi vào cuộc sống. Bảo hiểm tiền gửi không còn xa lạ mà ngày càng gắn với dịch vụ ngân hàng trong đời sống hàng ngày của người dân. Tại các quầy giao dịch của tổ chức tín dụng, dễ dàng nhận thấy "dấu ấn" bảo hiểm tiền gửi với chứng nhận tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi được niêm yết ở vị trí bắt mắt. Hay trên sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi ngày càng xuất hiện nhiều hơn dòng chữ: Tiền gửi của khách hàng đã được bảo hiểm bởi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Điều đó cho thấy bảo hiểm tiền gửi ngày càng thiết thực với người gửi tiền và là "chứng chỉ niềm tin" đối với tổ chức tín dụng.
Nói tới bảo hiểm tiền gửi không chỉ là đền bù, chi trả khi đổ vỡ, giờ đây người dân hiểu rằng gửi tiền tại tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi là đặt mình vào hoạt động ngân hàng chính thức được Chính phủ bảo vệ, thay vì tiếp tay cho "tín dụng đen". Các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà lập pháp cũng nhận thấy cần nâng tầm vị thế bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt sau sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới thời gian gần đây. Một cơ chế mới để tổ chức bảo hiểm tiền gửi góp mặt sớm hơn trong quy trình can thiệp sớm tổ chức tín dụng đang được đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội.
Mặc dù từ năm 2015, các tổ chức tín dụng nước ta hoạt động tương đối ổn định, niềm tin thị trường được duy trì, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không phải xuất quỹ bảo hiểm tiền gửi để chi trả cho người gửi tiền, nhưng tổ chức này vẫn thường xuyên nghiên cứu, tập dượt các kịch bản chi trả mô phỏng để sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền khi cần thiết.
Trong Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các mục tiêu cụ thể đều hướng về người gửi tiền: Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Để hiện thực hóa mục tiêu, không thể thiếu việc hoàn thiện thể chế, giống như thay chiếc áo mới cho những quy định đã chật hẹp, cản bước đi lên của hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, cần có cơ chế tăng cường nguồn lực tài chính cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Thực tiễn cho thấy, tổ chức bảo hiểm tiền gửi không thể phòng chống rủi ro hiệu quả khi tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô vốn của tổ chức tín dụng được bảo hiểm. Đặc biệt, “nguồn vốn” con người là yếu tố có tính then chốt, quyết định hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Làm nghề bảo hiểm tiền gửi là "tiếp xúc" với rủi ro của người gửi tiền, rủi ro của tổ chức tín dụng, chính vì thế, cán bộ bảo hiểm tiền gửi càng phải đáng tin cậy: nghiệp vụ chắc - tâm sáng - tác phong chuyên nghiệp.
24 năm qua, nội hàm giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang được làm sâu sắc hơn bởi biết bao thế hệ cán bộ bảo hiểm tiền gửi tận tụy; nhưng cũng hàm chứa đầy thử thách bởi thị trường tài chính ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro mới.
Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào thời khắc khép lại một năm 2022 nhưng mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam. Bởi vậy, 2023 được xem là năm bản lề, một "lát cắt" đáng ghi nhớ trong nhiều dấu ấn trưởng thành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với nỗ lực hành động triển khai chiến lược.
Tầm nhìn đã rõ, con đường phía trước đã rõ, sứ mệnh của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tạo nên sự bứt phá trong hoạt động, viết tiếp những trang vàng trong thời kỳ phát triển mới của tổ chức tài chính Nhà nước chuyên trách duy nhất thay mặt Chính phủ bảo vệ người gửi tiền, đóng góp thiết thực vào sự lớn mạnh của nền tài chính quốc gia.