Nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn miền Trung
Sáng 7/6, tại thành phố Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, OCOP và sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung”.
Nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề tại khu vực miền Trung |
Đây là hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, nhằm nâng cao nhận thức của Hộ sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Thông qua các hội thảo, hội nghị giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất hiểu được về giá trị cốt lõi của thương hiệu sản phẩm, từ đó có kế hoạch, giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại khu vực miền Trung đã được chuyên gia trong lĩnh vực thương mại thông tin về các vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu tại Việt Nam; cải tiến mẫu mã xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm tại làng nghề tiểu thủ công nghiệp các tỉnh miền Trung; định hướng thương mại hóa sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Gấm – Đại học Thái Nguyên, chuyên gia – diễn giả chính của Hội nghị, việc xây dựng thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt, đây là quá trình tạo dựng ấn tượng, những quan niệm, nhận định và thái độ tích cực của công chúng và các bên liên quan đối với sản phẩm, doanh nghiệp, tổ chức.
“Một sản phẩm có thể sao chép nhưng khó có thể bắt chước hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Thị Gấm nói và cho rằng việc xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp khác hàng khu biệt, nhận ra sản phẩm, phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại, thương hiệu cũng tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh xây dựng thương hiệu, theo PGS.TS Nguyễn Thị Gấm các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của các địa phương miền Trung phải chú trọng hơn đến cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Theo một kết quả khảo sát, thiết kế bao bì ảnh hưởng đến 22,5% trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Thiết kế bao bì cần đảm bảo các yếu tố: Mang tính đặc trưng thương hiệu; thân thiện, hướng đến người tiêu dùng; sáng tạo; đa dụng…
Xây dựng thương hiệu và cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm sẽ giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn nâng cao sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại |
Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia, diễn giả còn hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề truyền thống miền Trung cách thức xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu; khuyến nghị một số xu hướng về mẫu mã bao bì; hỗ trợ chủ thể tạo sự khác biệt cho sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại.