Thứ tư 18/12/2024 21:56

Nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại biên giới

Thương mại biên giới có vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương của nước ta. Các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng khu vực này.

Thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương

Với hơn 5.000km đường biên giới chia sẻ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương trong khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại quan trọng giữa các quốc gia láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng với các nền kinh tế phát triển trên thế giới nói chung.

Để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn tuyến biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới với Chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia... Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại qua cửa khẩu luôn được quan tâm triển khai và mang lại kết quả tích cực.

Kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương. Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, thương mại biên giới đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Trong đó, tuyến biên giới đất liền với hệ thống các cửa khẩu, đường giao thông, các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, các khu hợp tác kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do và khu bảo thuế đã và đang được xây dựng, nâng cấp, được đánh giá là một trong những cửa ngõ chính, quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc được thành lập, tạo nên động lực lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai thị trường ASEAN và Trung Quốc…

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương với 3 thị trường.

8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường này cũng có sự gia tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1%. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hoá sang Lào đạt 429,5 triệu USD, tăng 20,6%. Xuất khẩu sang Campuchia đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu xuất khẩu này có một phần quan trọng từ thương mại biên giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thương mại biên giới toàn tuyến biên giới đất liền còn nhiều khó khăn. Mặc dù cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh biên giới đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, tuy nhiên hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản…

Song song với đó, với đối tác lớn như Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây; số lượng chủng loại nông sản, trái cây được xuất khẩu cũng hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch nên phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan. Trên tuyến biên giới giáp Campuchia, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả…

Tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới

Để đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, các cơ quan chức năng đang nỗ lực xây dựng các văn bản pháp lý, trình Chính phủ ban hành nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới. Bên cạnh đó, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường các giải pháp quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá Việt.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới. Theo đó, Nghị định số 122/2024/NĐ-CP vẫn quy định 3 phương thức thanh toán là: Thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng); và thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo quy định mới thì phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Đồng thời, Nghị định số 122/2024/NĐ-CP bổ sung Điều 4a quy định về tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới.

Theo đó, hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.

Nghị định số 122/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định về chủ thể hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới như sau: Thương nhân, công dân mang quốc tịch Việt Nam đã đăng ký cư trú tại khu vực biên giới.

Thương nhân, công dân mang quốc tịch của nước có chung đường biên giới, có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực, còn giá trị sử dụng theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14 và Luật số 23/2023/QH15; thương nhân, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung đường biên giới đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật của nước có chung đường biên giới.

Ngoài ra, Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 của Điều 21 Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam.

Cụ thể, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, nhân viên phục vụ trên xe, tàu, thuyền là công dân Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 23/2023/QH15.

Riêng người điều khiển phương tiện, ngoài giấy tờ quy định nêu trên còn phải có giấy phép điều khiển phương tiện phù hợp với loại phương tiện điều khiển.

Phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa và chủ thể kinh doanh của Việt Nam được đi qua các cửa khẩu, lối mở biên giới quy định tại Nghị định này để ra hoặc vào chợ biên giới của nước có chung đường biên giới, phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

Nghị định còn nêu, trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2030, hàng hoá chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Nghị định Nghị định số 122/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế cửa khẩu

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024

Xuất khẩu hàng hóa: Cần nâng cao sức mạnh nội lực

Năm 2024, xuất khẩu da giày về đích với trên 26 tỷ USD

11 tháng, xuất khẩu ghi nhận mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN

Bộ Công Thương thu hồi mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt

11 tháng, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 384.719 tỷ đồng

Đắk Lắk: Hội thảo nâng cao cơ hội xuất khẩu hàng nông sản

Xuất khẩu sầu riêng dần chiếm ''miếng bánh'' thị phần tại Trung Quốc

Đà Nẵng: Doanh nghiệp tăng ca kịp xuất hàng trước năm mới 2025

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với 2024

Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ: Khuyến nghị từ các chuyên gia

Bộ Công Thương tìm cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Xuất khẩu quế 11 tháng năm 2024 thu về gần 250 triệu USD