Thứ năm 26/12/2024 18:25

Năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng bứt phá hoàn thành các mục tiêu

Năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%, GRDP đầu người (trừ dầu khí) đạt 9.620 USD. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,81%.

Nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2024

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2024, tình hình kinh tế trong tỉnh có những chuyển biến đột phá hơn so với năm 2023, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều chuyển biến theo xu hướng tăng cao dần. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng 11,7% - là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. GRDP (trừ dầu thô và khí đốt) bình quân đầu người đạt hơn 9.000 USD/người/năm.

Một góc Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Cộng tác viên

Hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng với 57 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án mới trong và ngoài nước, với tổng vốn hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài và hơn 42.013 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 136% kế hoạch năm 2024 và gấp 2,1 lần năm 2023.

Triển khai vốn đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công được Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung chỉ đạo quyết liệt, dự kiến giá trị giải ngân vốn năm 2024 là hơn 20.011 tỷ đồng (đạt 95,81%) kế hoạch. Tổng thu ngân sách ước đạt khoảng 96.164 tỷ đồng (đạt 108% nghị quyết).

Cảng biển, logistics và hạ tầng giao thông kết nối tiếp tục được thúc đẩy. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tăng 11,25%. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 580 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Nỗ lực hoàn thiện mạng lưới giao thông liên kết vùng

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành, Trung ương, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng đã được quan tâm đầu tư theo hướng liên kết các tỉnh trong vùng và đã có những bước phát triển quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đến nay, tiến độ các dự án giao thông kết nối vùng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (chiều dài 19,5km, tổng mức đầu tư 7.811 tỷ đồng) đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được khởi công ngày 18/6/2023 đang bảo đảm tiến độ đề ra, nhiều đoạn đường đã được thảm nhựa và dự kiến thông xe trước ngày 30/4/2025.

Nhiều đoạn của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu đã được thảm nhựa. Ảnh: Trà Ngân

Để phát huy tối đa hiệu quả kết nối vùng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã sử dụng ngân sách tỉnh để triển khai đầu tư 3 tuyến giao thông (chiều dài 16,4km, tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng) kết nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với các địa phương ven biển thúc đẩy phát triển du lịch, đô thị.

Song song đó, dự án cầu Phước An, với chiều dài 4,7km, tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng bảo đảm tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2027 để kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, với phía Nam TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam Bộ, thúc đẩy thông thương giữa vùng Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ mở rộng sự phát triển công nghiệp, logistics, cảng biển.

Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, gắn cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành đi qua 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Hình thành hành lang kinh tế, khu mậu dịch tự do logistics, công nghiệp, cảng biển. Kết nối hệ thống giao thông quốc gia, mở rộng không gian phát triển với các tỉnh trong vùng và ngoài vùng. Hiện tỉnh đã đầu tư các tuyến kết nối hệ thống cảng với đường Vành đai 4, với tổng mức đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương khoảng 3.200 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 4.400 tỷ đồng).

Đặt mục tiêu tăng trưởng '2 con số' năm 2025

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 5 tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào chiều 2/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu vùng Đông Nam Bộ tập trung triển khai các nhiệm vụ, đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2024. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để vùng Đông Nam Bộ đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2025-2030 và ít nhất 8% trong năm 2025.

Năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%, GRDP đầu người (trừ dầu khí) đạt 9.620 USD/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,81%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,52%; kim ngạch xuất khẩu đạt 5,97 tỷ USD, tăng 5,85%. Tổng thu ngân sách đạt 95.706 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu đáng chú ý trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên 1%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; không còn hộ nghèo chuẩn tỉnh (trừ đối tượng bảo trợ xã hội).

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhận định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đây cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cùng cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Do đó, trong năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định các mục tiêu, định hướng và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thị, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của tỉnh, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng '2 con số' vào năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo động lực phát triển mới; thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, tiết kiệm tài nguyên; chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường phòng, chống tham nhũng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Nguyễn Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Ngành dịch vụ logistics

Tin cùng chuyên mục

Mật mía Thạch Thành, hương vị Tết cổ truyền ở xứ Thanh

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024