Xuất khẩu thủy sản tháng 11 giảm hơn 14% Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 785 triệu USD, tiếp tục mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng đầu năm nên cả năm 2022, ngành thủy sản xuất khẩu đã cán đích 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021.
Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của thủy sản trong năm 2023 |
Tháng 12, mặc dù xuất khẩu sang hầu hết các thị trường và khối thị trường đều sụt giảm nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tăng 17% mở ra tín hiệu lạc quan về thị trường này trong thời gian tới. Cả năm 2022, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021.
Xuất khẩu sang các nước ASEAN vẫn giữ được đà tăng trưởng dương 27% trong tháng 12 và khối thị trường này đã đóng góp 790 triệu USD cho thủy sản Việt Nam trong cả năm 2022.
Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất, 40% trong tháng 12 và cả năm 2022 xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021. Xuất khẩu sang EU đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 20%, riêng trong tháng 12, thị trường này giảm 32% nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Nhật Bản giữ mức ổn định trong tháng 12 và cả năm xuất khẩu sang đây đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 28%.
Khối các nước CPTPP đóng góp cho ngành thủy sản Việt Nam hơn 2,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát đang khiến cho nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của các thị trường giảm mạnh. Dự báo, xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022 và thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Do vậy, dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng trên 10 tỷ USD.
Liên quan đến thị trường Trung Quốc, ngày 26/12, Trung Quốc phát đi thông tin sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 kể từ ngày 8/1/2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Trung Quốc trong việc hủy bỏ chính sách ‘Zero Covid’ được nước này áp dụng trong suốt 3 năm qua. Sự mở cửa của thị trường 1,4 tỷ dân được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, mặc dù khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, nhất là chính sách 'Zero Covid', nhưng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi. Do đó, khi mở cửa thì sẽ tạo thuận lợi cho thủy sản, trong đó, các mặt hàng này dự kiến sẽ tăng mạnh.
Ông Lê Bá Anh phân tích, thứ nhất việc Trung Quốc thực hiện chế độ ‘Zero Covid’ khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu thủy sản ‘hàng sống’ gần như toàn bộ đi đường bộ. Chính sách ‘Zero Covid’ khiến tắc toàn bộ ‘hàng sống’, nhất là các mặt hàng có giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm thẻ và tôm sú sống.
Thứ hai, đó là sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa, các nhà hàng phía bạn sẽ mở cửa, khi đó, sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản sống và cao cấp sẽ tăng mạnh mẽ.
Thứ ba, các mặt hàng thủy sản nếu trước đây xuất khẩu đi bằng đường biển đến cảng và bị ách để kiểm tra trên thành container, bao bì. Thời gian mất khoảng 2 tuần để kiểm tra và nếu bị phát hiện Covid-19 thì bị đình chỉ doanh nghiệp xuất khẩu. Với chính sách mới của Trung Quốc thì toàn bộ thủ tục phức tạp trên bị bãi bỏ, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc sẽ rất thuận lợi.
Về vấn đề này, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Trong các mặt hàng xuất khẩu, bà Lê Hằng nhận định, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.
Mặt khác, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Còn đối với mảng tôm, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, EU...
Từ năm 2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký thoả thuận với phía Trung Quốc về hợp tác kiểm soát an toàn thực phẩm với thủy sản. Hai bên duy trì đăng ký các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào nhau. Hiện nay, phía Trung Quốc công nhận 802 doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã công nhận 780 doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu thuỷ sản sang Việt Nam. |