''Mùa xuân...'' của giá vàng, thị trường vàng trong nước ''... đã cạn ngày''
Nhiều người đã nghĩ rằng, giá vàng trong nước là “đặc trưng” làm nên cảnh xếp hàng của năm 2024 và như năm 2020 là xếp hàng mua khẩu trang, năm 2021 xếp hàng đi test Covid, năm 2022 là xếp hàng đi mua xăng, còn năm 2023 là xếp hàng đi đăng kiểm.
Đúng là đã diễn ra cảnh người người, nhà nhà xếp hàng tại các tiệm vàng và các chi nhánh ngân hàng thương mại để cốt sao mua được vài chỉ hay vài lượng vàng kiếm chút lời. Nhưng Chính phủ và các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước đã theo sát tình hình, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt bằng nhiều giải pháp có hiệu quả, nhanh chóng phát huy tác dụng, không để cảnh xếp hàng mua bán vàng trở thành một “hình ảnh” của nền kinh tế.
Đến nay có thể khẳng định chắc chắn giá vàng trong nước, thị trường vàng trong nước đã dần đi vào ổn định và nếu nhìn tới cuối năm, cũng có thể khẳng định, những giải pháp như vừa qua vẫn sẽ phát huy vai trò bình ổn giá vàng, thị trường vàng. Những cơn sốt giá như đã được chứng kiến thời gian gần đây khó có cơ hội lặp lại. Những diễn biến này cũng phù hợp với xu thế giảm đang diễn ra của thị trường vàng thế giới.
Thị trương vàng trong nước vẫn trông chờ những giải pháp căn cơ. Ảnh minh hoạ. |
Điều này là rất có ý nghĩa khi mà Việt Nam là một đất nước mà người dân có thói quen và nhu cầu cao về cất trữ, tiêu dùng, đầu tư, đầu cơ vàng. Cho dẫu không còn đóng vai trò là một loại tiền tệ hay hàng hoá thiết yếu, vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Nhiều người mượn lời thơ của Nguyễn Bính trong bài thơ "Mưa xuân" để ví von rằng, “mùa xuân...” của giá vàng, thị trường vàng trong nước "... đã cạn ngày", thậm chí là đã chấm dứt khi mục tiêu cơ bản là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được thu hẹp đáng kể trong khi Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ nguồn lực cần thiết để đưa thị trường vàng trong nước bình ổn trở lại.
Nhưng khi giá vàng trên thị trường trong nước đã bình ổn trở lại thì một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là phải chăng đây là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi “cây gậy” pháp lý là Nghị định 24/2012/NĐ-CP, vốn từng phát huy tác dụng không nhỏ trong vòng hơn 10 năm qua với thị trường vàng trong nước nhưng nay đã dần mất “thiêng”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vàng trong nước cũng đang đứng trước cơ hội để đẩy nhanh việc chuyển đổi từ thị trường mang nặng tính vật chất sang vàng kỳ hạn.
Thị trường vàng Việt Nam sau nhiều năm vẫn chỉ là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất. Điều này có thể thấy rõ từ quy định tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP với việc hoạt động kinh doanh vàng dưới các hình thức khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và các ngân hàng thương mại nhà nước cấp giấy phép bị coi là “hành vi vi phạm pháp luật”.
Ở đây nói nôm na là chuyển từ vàng vật chất sang vàng chứng chỉ mà có thể xem như mang tính “nhất cử lưỡng tiện”. Theo đó cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng.
Một đặc điểm đáng chú ý của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây.
Để bảo đảm tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.
Như vậy còn có thể góp phần khơi thông nguồn lực vàng trong dân mà cơ quan nhà nước cũng không bị mang tiếng là dùng giải pháp hành chính để can thiệp vào thị trường.