Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cùng các hãng hàng không Vietjet, Tre Việt, Pacific, Vietravel và Công ty Bay dịch vụ hàng không về việc hạn chế tình trạng bay chờ tại khu vực sân bay khi có thời tiết xấu, bất lợi.
Theo nhà chức trách, tình hình hoạt động bay hàng không dân dụng đã tăng trưởng trở lại sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết xấu và bất thường ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn và công tác điều hành, quản lý hoạt động bay.
"Tình trạng bay chờ, chuyển hướng, hủy chuyến khi có thời tiết bất lợi, máy bay không thể hạ cánh tại sân bay có mật độ bay cao như Tân Sơn Nhất hay Nội Bài trong thời gian kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động bay", Cục Hàng không nhấn mạnh.
Cục Hàng không yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình phối hợp điều hành bay trong điều kiện thời tiết xấu nhằm hạn chế việc tàu bay chờ |
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác đảm bảo an toàn hoạt động bay và ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai các biện pháp, giải pháp của VATM nhằm đảm bảo hạn chế tình trạng bay chờ, chuyển hướng đi sân bay dự bị hay hủy chuyến.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị VATM chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không, công ty bay và cảng hàng không xây dựng quy trình phối hợp điều hành bay trong điều kiện thời tiết xấu.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng hàng không, công ty bay tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, quyết định với các cơ sở điều hành bay tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và VATM. Bên cạnh đó tăng cường xem xét, cân nhắc quyết định cho máy bay khởi hành tới sân bay đến nếu có điều kiện thời tiết bất lợi, chủ động hạn chế việc phải bay chờ, đi sân bay dự bị.
Theo báo cáo của ngành hàng không, trong năm 2022, có tới 32.242 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm. Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tàu bay về muộn (67,6%) và bản thân hãng hàng không (14,2%). Đại diện một hãng bay thừa nhận việc chậm, hủy chuyến do vượt năng lực quản lý, vận hành, tình trạng tàu bay, các yếu tố như giới hạn về hạ tầng sân bay, dịch vụ mặt đất, quản lý không lưu, thời tiết (mưa giông, bão...) hay những tình huống bất thường khác (sức khoẻ hành khách...) dù là nguyên nhân nào thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh, uy tín của hãng hàng không và không hãng bay nào muốn. |