Thứ tư 27/11/2024 11:22

Mấu chốt quản lý thuế trong thương mại điện tử là chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh: Mấu chốt quản lý thuế trong thương mại điện tử là cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ

Chiều 23/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm về "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" nhằm thảo luận về những giải pháp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.

Tham gia tọa đàm có sự hiện diện của các đại biểu uy tín và giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử và quản lý thuế: Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp của VNPAY; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính.

Bà Lại Việt Anh Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ những giải pháp để giải bài toán thuế trong thương mại điện tử. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Tại tọa đàm bà Lại Việt Anh Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong vòng 10 năm qua phát triển rất nhanh thường tốc độ tăng trưởng từ 20-25%/năm, cách đây 10 năm (từ năm 2013) quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam chỉ khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường thưng mại điện tử bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

Thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh đã đóng góp tích cực cho mô hình thương mại hiện đại này trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, đây là mô hình kinh doanh hiệu quả để cung cấp các dịch vụ, sản phẩm đến người tiêu dùng cuối. Đây là kênh cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ có thể dễ dàng tham gia vào hoạt động kinh doanh, tăng thêm thu nhập, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên trong phát triển nhanh thì đặt ra bài toán phát triển bền vững. Đó là đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia thị trường, và đảm bảo tuân thủ quy phạm pháp luật đối với các chủ thể tham gia. Trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ về thuế.

Để đạt được bài toán nghĩa vụ về thuế thì một trong những giải pháp mấu chốt là xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý với thương mại điện tử. Vậy hoạt động quản lý cần được tận dụng tối ưu, những công cụ.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, trong hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế.

Thứ nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung với thương mại điện tử, trên Cổng Thông tin quản lý về thương mại điện tử (online.gov.vn) có dữ liệu khá đầy đủ về doanh nghiệp sở hữu những website thương mại điện tử bán hàng tại các sàn giao dịch điện tử thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đã tiến hành chia sẻ dữ liệu đó với các cơ quan quản lý nhà nước Công Thương 63 tỉnh, thành, và hiện nay đang thực hiện kết nối, chia sẻ với Tổng cục Thuế. Chia sẻ dữ liệu hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng thương mại điện tử dạng website, dạng ứng dụng với Tổng cục Thuế, tiến tới chia sẻ khoảng 50.000 chủ thể. Việc chia sẻ, kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước làm tăng hiệu quả quản lý, giảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục với cơ quan chức năng.

Thứ hai, Bộ Công Thương đã ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới như phân tích dữ liệu lớn, hay ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể sàng lọc thông tin, hay giám sát các hoạt động thương mại trong môi trường trực tuyến để phát hiện hành vi sai phạm. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền phổ biến, pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh là việc rất quan trọng. Đồng hành với Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều chương trình nhằm phổ biến cho doanh nghiệp biết những quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ liên quan, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ về thuế trong môi trường trực tuyến.

Đề xuất tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất là Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Tọa đàm về "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử". (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thứ hai là ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện. Đây cũng là kênh thông tin để cho người nộp thuế thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hiệu quả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, Tổng cục Thuế đã ban hành "Thư ngỏ" gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc.

Thứ ba, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành thuế mà còn thống nhất trong các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Đó là đề xuất bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế thay.

Ngoài ra, các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến nắm được đầy đủ các thông tin về người mua; thông tin về các giao dịch bán hàng thành công; thông tin về doanh thu, chi phí thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, do đó sàn thương mại điện tử có thể thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn một cách dễ dàng.

Minh Quang
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Tăng cường hạ tầng dịch vụ logistic hỗ trợ cho thương mại điện tử

Hội thảo 'Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số' năm 2024

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu sản phẩm Việt

Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Thương mại điện tử là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Sự kiện thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024

Tăng trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong ngăn chặn hàng giả, hàng lậu

Online Friday 2024: Bước nhảy vọt của hàng Việt trong kỷ nguyên thương mại điện tử

3 nội dung chính của Diễn đàn Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương 2024

Mô hình 'con tôm ôm cây lúa' đưa đặc sản An Giang lên sàn thương mại điện tử

Công ty Coca-Cola Việt Nam: Đào tạo kinh doanh thương mại điện tử từ sản phẩm sơn mài truyền thống

Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số Việt Nam

Online Friday 2024: Kích hoạt hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn, lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số

Tổng cục Hải quan chỉ đạo quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Bộ Công Thương ra 'tối hậu thư' với sàn thương mại điện tử Temu, Shein

Online Friday 2024: Khuấy động thị trường thương mại điện tử cuối năm