Chủ nhật 11/05/2025 01:02

Lương tối thiểu tính theo giờ: Người lao động lo “không đủ sống”

Mức lương tối thiểu tính theo giờ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, đang được cho là “không đủ sống” khi giá cả leo thang từng ngày.

Lần đầu tiên Việt Nam sẽ có quy định mức lương tối thiểu tính theo giờ. Trong đó, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Đề xuất trên được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra dựa nhằm khắc phục những bất cập khi sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương cho người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, bán thời gian cho các hộ gia đình, các nhà hàng, siêu thị, quán cà phê…

Người lao động chưa qua đào tạo, làm việc theo giờ tại các cơ sở kinh doanh nhỏ cũng khó chấp nhận được mức lương tối thiểu tính theo giờ là 15.600 đồng – 22.500 đồng/giờ

Tuy nhiên, khảo sát trên thực tế cho thấy, mức lương tối thiểu tính theo giờ mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho một lao động – nhất là lao động ở thành phố.

“Mức lương tối thiểu theo giờ cao nhất mới là 22.500 đồng/giờ là con số khó có thể chấp nhận. Với mức lương này, những người làm ca kíp trong siêu thị như chúng tôi làm sao đủ sống, khi mà thu nhập cho 8h làm việc chỉ là 180.000 đồng. Như bản thân tôi, 1 tháng đi làm kín, trừ thứ 7, chủ nhật, nếu chỉ được trả mức lương như đề xuất thì cả tháng thu nhập được chưa đến 5 triệu đồng. Với 5 triệu đồng, người lao động như chúng tôi sẽ sống ra sao khi mà không có các khoản hỗ trợ thuê nhà, ăn trưa, di chuyển…” – Chị Thu Vân – một nhân viên làm việc theo giờ ở Aeon Mall quận Long Biên (Hà Nội) cho hay.

Với chủ các nhà hàng, siêu thị, quán cà phê… thì việc Việt Nam có quy định về mức lương tối thiểu theo giờ, sẽ là căn cứ để đưa ra khi tuyển lao động làm ca.

Tuy nhiên, nhiều chủ nhà hàng cũng thừa nhận, nếu trả mức lương như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất thì khó có thể tuyển được người làm.

“Hiện nhà hàng chúng tôi đang trả 30.000 đồng/giờ cho những nhân viên làm ca (miễn phí bữa trưa) mà nay người này nghỉ, mai người kia nghỉ để đi làm shiper, lý do là làm shiper giờ giấc tự do, thu nhập chia ra theo giờ còn được gấp 2-3 lần nhà hàng đang trả” – Chủ một cửa hàng bún ngan trên phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) chia sẻ.

Làm giúp việc theo giờ từ nhiều năm nay, chị An cho biết, ngày nào mấy chị em cũng bắt xe buýt từ Sóc Sơn sang bên trung tâm Hà Nội để làm việc, công việc chủ yếu là lau chùi nhà cửa, chăm sóc vườn cây… cho các gia đình có điều kiện. Tiền công thì cũng tùy công việc, nhưng tối thiểu là 50.000 đồng/giờ, có công việc còn được trả cả 100.000 đồng/giờ.

“Tôi không rõ về lương tối thiểu tính theo giờ mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, nhưng nếu 22.500/giờ là cao nhất thì tôi nghĩ là mức lương này quá thấp. Vì người lao động tự do, làm việc theo giờ như chúng tôi đa phần đều không đóng bảo hiểm, không có lương hưu. Với mức trả thấp như vậy thì chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Nuôi mình chưa đủ thì lo sao được cho con cái” – chị An ngậm ngùi.

Tiền công trả cho người làm việc thu hái cà phê đang là 250.000 đồng/8 giờ, xong nhiều chủ vườn cũng khó kiếm lao động

Được biết, mức lương tối thiểu tính theo giờ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia Tổ chức Lao động (ILO) khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.

Tuy nhiên, phương pháp tính toán này đang được cho là khá máy móc khi chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố tác động.

“Tôi cho rằng tiền lương tối thiểu theo giờ phải cao hơn lương tối thiểu tháng bởi người lao động làm công việc bán thời gian và không ổn định. Nếu tính ngang với lương tối thiểu hiện nay sẽ thiệt thòi cho lao động ở khu vực phi chính thức, vì họ không được hưởng nhiều phúc lợi xã hội dành cho người lao động” - ông Phạm Minh Huân nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ với truyền thông.

Thực tế, hầu hết người lao động nghe đến mức lương tối thiểu tính theo giờ mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất đều có phản ứng khá gay gắt, thậm chí khẳng định đề xuất này là “lạc hậu, thiếu thực tế, không nhân văn” khi mà xăng dầu, hàng hóa, các chi phí sinh hoạt tăng từng ngày. Trong khi mức lương trung bình trả cho lao động phổ thông như: bóc vỏ quế, thu hái cà phê, hồ tiêu, phụ hồ…. đã là 250.000/8 giờ làm việc (tương đương 31.025 đồng/h) từ khá lâu.

“Nếu phương thức trả lương mới không tiến bộ hơn phương thức trả lương cũ thì đổi mới làm gì để người lao động thêm thiệt thòi” – anh Thân Trọng Huy nêu ý kiến.

Liên quan đến mức lương tối thiểu tính theo giờ mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, không ít chủ doanh nghiệp quan ngại, nếu đề xuất lương tối thiểu tính theo giờ được thông qua, những chủ doanh nghiệp muốn giảm chi phí lương có thể sẽ căn cứ vào mức lương này để trả, ép những người lao động đang cần việc phải chấp nhận mức lương mà bản thân họ biết rõ là rất khó để xoay xở trong hoàn cảnh hiện nay.

Dịch bệnh đã được khống chế, thị trường bắt đầu sôi động trở lại nên các lao động, kể cả lao động trẻ chưa có kĩ năng, ngày càng có nhiều sự lựa chọn các công việc linh hoạt làm theo giờ với mức lương cao hơn 50%-100% so với mức lương tối thiểu theo giờ được đề xuất.

Chính vì vậy, xem ra đề xuất lương tối thiểu theo giờ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần được xem xét kĩ lưỡng và tính đúng, tính đủ các yếu tố có liên quan trước khi trình Chính phủ. Có như vậy mới có tác dụng khuyến khích người lao động cống hiến, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội.

Quy định tiền lương tối thiểu tính theo giờ đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Dự kiến, quy định về mức tiền lương tối thiểu theo tháng, theo giờ sẽ được áp dụng từ 1/7/2022. Trong đó, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Hoàng Mai
Bài viết cùng chủ đề: Người lao động