Lượng giảm, giá xuất khẩu cà phê tiếp tục neo ở mức kỷ lục
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết phiên giao dịch ngày 29/9, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm lần lượt 0,17% của Arabica và 0,28% của Robusta.
Giá cà phê Việt Nam đang ở mức cao |
Tình hình xuất khẩu cà phê tích cực tại Brazil vẫn là nhân tố chính gây áp lực lên diễn biến giá cà phê.
Tính đến ngày 28/9, Brazil đã xuất khẩu được 2,98 triệu bao cà phê loại 60 kg, cao hơn mức 2,96 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước, dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE). Trong số gần 3 triệu bao cà phê xuất khẩu tính đến hiện tại, phần lớn là cà phê Arabica với 2,21 triệu bao, cao hơn mức 2,12 triệu bao trong cùng kỳ tháng 8.
Tuy nhiên, đà giảm của giá cà phê được dự báo sẽ không duy trì lâu bởi dữ liệu kém tích cực tại Brazil và Việt Nam không đủ để khiến giá tăng.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 9 của Việt Nam đạt 65.000 tấn, giảm mạnh 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, xuất khẩu cà phê thấp hơn 7,3% so với 9 tháng đầu năm 2022. Điều này càng phản ánh nguồn cung thiếu hụt tại Việt Nam khi đã ở cuối niên vụ 2022 – 2023.
Đồng thời xuất khẩu cà phê Sumatra Robusta trong tháng 8 của Indonesia đạt 16.166,17 tấn, giảm 55,48% so với mức 36.313,2 tấn được vận chuyển trong cùng năm trước, theo dữ liệu từ Chính phủ nước này.
Lượng giảm, nhu cầu tăng, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện đã đạt mức kỷ lục. Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 9/2023 tiếp tục tăng, đạt 3.151 USD/tấn, tăng 6,3% so với nửa đầu tháng 8/2023 và 32,1% so với cùng kỳ, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.
Theo MXV, năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể cán mức kỷ lục là nhờ giá nội địa và giá thế giới leo lên mức cao nhất trong 15 năm. Do nguồn cung khan hiếm, lượng cà-phê dự trữ thấp, sản lượng lại giảm đáng kể và nhu cầu trên thế giới về Robusta tăng mạnh nên mới có được mức giá tốt này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2023, Việt Nam có thể thu về 4,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê. Như vậy, xuất khẩu cà phê đang đứng trước cơ hội phá kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ngành cà phê Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp ngành có thể đặt kỳ vọng vào mục tiêu 6 tỷ USD của năm 2030.
Xuất khẩu cà phê có thể thiết lập một kỷ lục mới trong năm nay. Nhưng liệu rằng trong tương lai có thêm nhiều cột mốc đáng chú ý hơn như vậy? Câu trả lời là muốn tăng được kim ngạch thì phải tăng được giá trị cho cà phê, phải định vị lại dòng sản phẩm và nắm bắt xu thế của thị trường. Trước hết là tại hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới chiếm đến 50% tổng nhập khẩu của toàn cầu là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đây cũng hai thị trường mục tiêu và lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nắm được xu thế này, cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5499/QĐ-BNN-CB phê duyệt quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu, để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể, đến năm 2030, cà phê nhân chỉ còn chiếm 55-70% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, còn lại là cà phê đã qua chế biến.