Rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, Bộ Công Thương đã rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đặc biệt là quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Thuỷ lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Địa chất và khoáng sản.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này Bộ Công Thương đã rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của hệ thống pháp luật. |
Bộ Công Thương đã rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (gồm: Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều…) và nhận thấy không có Luật nào quy định chi tiết các nội dung về an toàn đập, hồ chứa thủy điện từ giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng đến vận hành công trình, cho đến nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện là Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (là nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi).
Bên cạnh đó, công trình thủy điện có những đặc thù rất khác biệt với công trình thủy lợi (hầu hết do tư nhân đầu tư, quản lý vận hành; chế độ vận hành và mục tiêu vận hành khác biệt với hồ thủy lợi, các tuyến năng lượng và công trình phụ trợ cũng khác nhau...), biến đối khí hậu và thiên tai ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng lớn đến chế độ vận hành của các công trình. Do đó, ngay từ khi xây dựng đề cương Luật đã thống nhất bổ sung quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện vào nhóm chính sách số 6 Luật Điện lực) và được cụ thể hóa bằng Mục 3 Chương VII Dự thảo Luật với 6 Điều quy định chi tiết các nội dung về: Nguyên tắc chung; quản lý an toàn trong giải đoạn thiết kế, xây dựng; an toàn trong giai đoạn vận hành và quy định về biện pháp bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện).
Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ với các Luật chuyên ngành khác liên quan thì các điều khoản quy định về an toàn công trình thủy điện đều quy định yêu cầu các tổ chức cá nhân tuân thủy quy định về an toàn đập, hồ chứa nước (theo pháp luật về thủy lợi) và pháp luật về tài nguyên nước, phòng chống thiên tai.
Đối với Luật Thủy lợi: Chỉ có Điều 28 quy định về vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Luật Phòng, chống thiên tai: Điểm a khoản 8 Điều 42 của Luật có quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương như sau: “a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn cho công trình hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý trong phòng, chống thiên tai;”
Luật Đê điều: Chỉ có khoản 4 Điều 42 quy định: “Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, chỉ đạo thực hiện vận hành hồ chứa nước theo quy chuẩn kỹ thuật về vận hành hồ chứa nước”.
Luật Tài nguyên nước năm 2023, tại Điều 23 có quy định về bảo vệ hành lang nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện; Điều 36 có quy định Bộ Công Thương chỉ đạo việc điều tiết vận hành các hồ chứa thủy điện; Điều 38 quy định về quy trình vận hành hồ chứa và quy trình vận hành liên hồ chứa; Điều 45 có quy định Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức việc rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện theo Điều 38 khoản 4 Điều 79 có quy định Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Như vậy, tất cả các Luật chuyên ngành trên đều giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương trong việc quản lý đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Nhưng không có điều khoản nào quy định chi tiết nội dung quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Do đó, Luật Điện lực (sửa đổi) cần thiết phải quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong quá trình thiết kế, thi công xây dựng và trong quá trình vận hành công trình, phân cấp trách nhiệm quản lý… làm cơ sở pháp lý để Chính phủ, Bộ Công Thương quy định chi tiết).
Luật Điện lực (sửa đổi) thống nhất với dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi)
Hiện nay, vấn đề kiểm soát an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt và dịch vụ đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như: QCVN 12:2014/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và công trình công cộng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thiết kế, xây dựng hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng. Trong đó, giao trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc áp dụng quy chuẩn trong hoạt động thiết kế, xây dựng, nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động.
Về vấn đề này, theo Điều 58 Luật Điện lực hiện hành quy định về an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ cũng đã quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo an toàn điện trong sinh hoạt, dịch vụ và trách nhiệm của người sử dụng điện trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn điện.
Điều 17 Luật PCCC hiện hành cũng có quy định đối với phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, khu dân cư trong đó có yêu cầu hệ thống điện đảm bảo an toàn và có quy định về sử dụng điện.
Mặc dù đã có các quy định trên, nhưng các cơ quan chức năng tại địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc kiểm tra an toàn hệ thống điện trong nhà ở sinh hoạt và ý thức chấp hành quy định về an toàn trong sử dụng điện còn rất thấp. Chính vì vậy, trong các kiến nghị của cơ quan chức năng gần đây đều đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc đảm bảo an toàn điện trong sinh hoạt và dịch vụ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã rà soát Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi) và đánh giá nội dung, quy định về an toàn điện trong sinh hoạt và dịch vụ đã thống nhất với quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy trong sử dụng điện tại Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi).
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đã làm rõ thêm trách nhiệm của người sử dụng điện, bên cung cấp điện và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ. Trong đó sẽ tập trung triển khai hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng điện an toàn.