Giá điện gánh quá nhiều mục tiêu
Chia sẻ tại tại tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 7/5, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định giá điện đang tồn tại 3 bất cập lớn.
Thứ nhất, giá điện chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Giá điện nhiều năm qua không được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra một kW điện. Tình trạng "mua cao, bán thấp" vẫn diễn ra, nhưng chưa được khắc phục. Đây là điểm nghẽn mang tính bao trùm, cản trở quá trình minh bạch hóa và vận hành theo nguyên tắc thị trường.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Giá điện hiện đang phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Vừa hỗ trợ ngành điện phát triển ổn định, vừa thu hút đầu tư, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Tuy nhiên, những mục tiêu này có mâu thuẫn và giằng co lẫn nhau, khiến việc xây dựng và điều hành giá điện trở nên rất khó khăn, nhiều khi không thể bảo đảm đầy đủ các mục tiêu cùng lúc.
Thứ ba, cơ chế bù chéo kéo dài. Giá điện hiện có sự bù chéo giữa các hộ tiêu dùng, giữa sinh hoạt và sản xuất, giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này duy trì quá lâu đã khiến khó thực hiện được cơ chế giá thị trường thực sự, làm méo mó tín hiệu giá và triệt tiêu động lực sử dụng điện hiệu quả.
Theo chuyên gia, hệ quả của những bất cập trên khiến giá điện không phản ánh đúng giá trị thật của điện năng, trở thành một dạng giá bao cấp cho toàn xã hội; khó thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; không tạo được áp lực đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Ngành điện liên tục rơi vào tình trạng âm dòng tiền, gây khó khăn cho tái đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Xu hướng tăng giá điện trên thế giới
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chia sẻ thêm góc nhìn so sánh giữa giá điện của Việt Nam với một số nước trong khu vực và quốc tế.
Theo đó, mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Mức giá này cao hơn một số quốc gia như: Bangladesh hay Malaysia, những nước có lợi thế riêng như tài nguyên thủy điện hoặc dầu khí nội địa, từ đó có thể xây dựng cơ chế bù giá hiệu quả.
![]() |
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam như: Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Riêng Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận mức của Nhật Bản.
Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3 - 4 năm trước, thậm chí cao hơn gấp rưỡi.
"Từ đó có thể thấy vấn đề không đơn giản chỉ là "giá điện tăng hay giảm" mà là câu chuyện làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia", ông Sơn nói và nhấn mạnh nhiều quốc gia phát triển hiện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường trong xác lập giá điện, minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng đầu tư năng lượng sạch.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài.
Điều chỉnh giá điện theo lộ trình rõ ràng
Về giải pháp, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, trước mắt, cần chuyển cơ chế điều hành giá điện sang theo thị trường bằng cách tính đúng, tính đủ chi phí trong công thức giá điện, bao gồm chi phí phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý và lợi nhuận hợp lý.
Cùng với đó, sửa đổi biểu giá điện hiện hành, đặc biệt là bỏ mục "chi phí khác". Đây là phần chi phí chưa được tính đúng đủ mà hiện đang phân bổ dần từng năm, gây ra sai lệch.
Đặc biệt, chấm dứt cơ chế bù chéo, thay vào đó là áp dụng chính sách tài khóa riêng biệt để hỗ trợ vùng khó khăn, hộ nghèo. Chính sách an sinh xã hội không nên lồng ghép trong giá điện vì sẽ làm sai lệch vai trò và bản chất của giá thị trường.
"Nếu thực hiện được những giải pháp trên, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo ra cú huých mạnh mẽ giúp ngành điện có thêm nguồn lực để bảo đảm cung ứng điện ổn định cho tăng trưởng kinh tế, đúng như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đặt ra", vị chuyên gia khẳng định.
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối. Đồng thời, giá điện cần tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường, từng bước tiếp cận với thực tiễn chi phí năng lượng.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhìn nhận, với đặc thù tại Việt Nam, không thể để xảy ra các "cú sốc giá" quá lớn, gây xáo trộn đời sống người dân và ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, giải pháp cần hướng đến sự điều chỉnh mềm, có lộ trình rõ ràng, bảo đảm vừa phản ánh đúng chi phí sản xuất điện vừa giảm thiểu tối đa tác động tới an sinh xã hội và mặt bằng giá cả.
"Hiện nay, các tín hiệu về việc ban hành cơ chế, nghị định và chính sách điều chỉnh của Chính phủ đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, cần tiếp tục cụ thể hóa bằng các hành động mạnh mẽ hơn, hướng tới một thị trường điện minh bạch, công bằng, ổn định, để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước gắn bó dài hạn với ngành năng lượng Việt Nam", chuyên gia Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, nguyên tắc tính giá điện, chi phí điện đã được nêu trong Luật Điện lực và Bộ Công Thương tiếp tục thể chế hóa quy định. Theo đó cơ chế giá điện cần được xem xét với bước chuyển phù hợp, vừa đáp ứng xu hướng thị trường, nhưng cũng cần có sự ổn định cho người dân. "Để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện, Bộ sẽ huy động tối đa nguồn lực hiện hữu, chuẩn bị ứng phó các trường hợp đã được dự báo và chuẩn bị đầu tư phát triển, minh bạch thị trường, phát triển ngành và cung ứng điện bền vững", ông Đoàn Ngọc Dương khẳng định. |