Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thời gian qua, lượng nhân điều trắng hoặc còn vỏ lụa, đã sấy khô, được nhập khẩu gia tăng nhanh chóng. Đây không phải là nguyên liệu như hạt điều thô mà là sản phẩm đã qua chế biến. Trong hầu hết trường hợp, chúng được nhập về, đóng gói (hoặc gia công một chút rồi đóng gói), sau đó xuất khẩu mang nhãn mác Việt Nam.
Chế biến điều xuất khẩu |
Điều này sẽ gây hậu quả không tốt cho ngành chế biến điều Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bởi trước hết, rất khó để kiểm soát chất lượng, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm với nhân điều nhập khẩu. Do đó, rất dễ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chung của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mặt khác, nhân điều nhập khẩu để đóng gói (hoặc gia công một chút rồi đóng gói) xuất khẩu là sản phẩm đã qua chế biến, nhưng hiện tại chúng lại được áp mã chung với hạt điều thô khi nhập khẩu, được hưởng thuế suất và các ưu đãi như với hạt điều thô. Đây là điều bất hợp lý vì ngành chế biến điều Việt Nam đã và đang sản xuất rất tốt loại sản phẩm này.
Do vậy, nhân điều nhập khẩu rồi đóng gói xuất khẩu không phải là nguyên liệu cần thiết, trong nước không có, để doanh nghiệp Việt Nam phải nhập về, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Vì vậy, nếu cho nhập nhân điều theo cách như hiện tại sẽ vừa sai với quy định của pháp luật Việt Nam, làm thất thu cho nhà nước, vừa ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam hiện đã đầu tư rất lớn cho cả quy trình chế biến hiện đại từ hạt điều thô đến sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Chính vì vậy, theo Vinacas, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần xem xét, không coi nhân điều nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Từ đó, loại bỏ mọi ưu đãi và đưa ra những quy định hợp lý, chẳng hạn như áp mã thuế riêng và mức thuế cao hoặc quy định giá nhập khẩu tối thiểu, nếu mua bán dưới mức đó sẽ bị cấm nhập, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập khẩu nhân điều trắng hoặc còn vỏ lụa để đóng gói xuất khẩu.
Qua đó, đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp; tránh thất thu thuế của nhà nước; đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân điều Việt Nam xuất khẩu, bảo vệ ngành chế biến điều Việt Nam; ngăn ngừa việc lợi dụng uy tín, thương hiệu của ngành điều Việt Nam để thu lợi.
Việc bảo vệ ngành chế biến điều trong nước đã có tiền lệ trong ngành điều thế giới: Tháng 6/2019, Ấn Độ thực hiện việc “Sửa đổi trong những điều kiện chính sách nhập khẩu hạt điều nhân (bị vỡ/nguyên vẹn)”. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã tăng mạnh giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nguyên vẹn và bị vỡ.
Cụ thể: Giá nhập khẩu tối thiểu (giá CIF) cho hạt điều bị vỡ tăng hơn 136%, từ 288 Rupi/kg (4.14 USD/kg) lên 680 Rupi/Kg (9.77 USD/kg); giá nhập khẩu tối thiểu (giá CIF) cho hạt điều nguyên vẹn tăng 180%, từ 400 Rupi/kg (5.75 USD/kg) lên 720 Rupi/Kg (10.35 USD/kg). Dưới mức giá này, nhập khẩu hàng hóa bị cấm. Trên mức giá này, nhập khẩu hàng hóa được thực hiện tự do.
Đây được coi là 1 trong những biện pháp mạnh của Chính phủ nhằm bảo hộ cho chế biến hạt điều nội địa. Qua đó, đã có tác động trực tiếp đến chế biến và xuất khẩu điều của Việt Nam vào Ấn Độ. Năm 2019, xuất khẩu nhân điều Việt Nam sang Ấn Độ chỉ đạt 2.983 tấn, trị giá gần 18 triệu USD, giảm tới 37,28% về lượng và 48,73% về giá trị so năm 2018.