Hà Nội: Triển khai quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản Quản lý thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Còn nhiều khó khăn |
Còn nhiều "rào cản" trong truy thu thuế
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2023, Tổng cục đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc thu thuế qua Cổng thông tin điện tử đối với nhà cung cấp nước ngoài.
Cụ thể, tính tới đầu tháng 10/2023, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó, 32 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký nộp thuế mới đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sỹ... Các ông lớn như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, Nitendo đều đã nộp thuế trực tiếp qua cổng thông tin điện tử này.
Tổng cục Thuế cho biết, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp năm 2023 là 8.096 tỷ đồng, trong đó có 6.896 tỷ đồng được khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. |
Đáng chú ý là, sau một năm buộc các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin, năm 2023, số thu từ thương mại điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng truy thu, xử lý vi phạm khoảng 275 tỷ đồng từ 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân kinh doanh trên sàn...
Thực tế cho thấy, theo số liệu tại Sách Trắng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến đạt 21,3 tỷ USD năm 2023 và 57 tỷ USD năm 2025. Hiện khoảng 60% dân số tham gia mua sắm, tương đương 57 - 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Từ thực tiễn này chỉ ra, lĩnh vực này vẫn chưa được thu đúng, thu đủ.
Thông tin về những thách thức trong quản lý hoạt động thu thuế trên nền tảng thương mại điện tử hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, một trong những nguyên nhân do thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới không có văn phòng đại diện hay đại diện pháp lý tại Việt Nam, do đó việc yêu cầu họ tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam đang còn gặp nhiều trở ngại.
“Quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề khó không chỉ Bộ Công Thương mà với các cơ quan quản lý nhà nước khác như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an. Qua thông tin trao đổi với Bộ Tài chính, nhiều đối tượng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cũng chưa kê khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế (ví dụ trường hợp của Agoda, Booking)” - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.
Trên thực tế, cơ quan thuế các địa phương gặp khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và kiểm soát dòng tiền.
Cần sự phối hợp đồng bộ, liên ngành
Theo các chuyên gia, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quản lý, truy thu thuế trong môi trường kinh doanh trực tuyến hiện nay, song trước việc ngày càng nhiều cá nhân, hộ kinh doanh kiếm thu nhập “khủng” từ các nền tảng như YouTube, Google, Facebook..., hay trên các sàn thương mại điện tử và chưa chịu nộp thuế đặt ra nhiều bài toán cần lời giải cho các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có rất nhiều vướng mắc trong quản lý thuế thương mại điện tử. Hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng.
Nhiều trường hợp còn sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh, nên khó quản lý được chính xác đối tượng. Một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn và nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, cũng như mạng xã hội, gây khó khăn trong xác định căn cứ tính thuế.
Tại nhiều địa phương, các chủ sàn thương mại điện tử chưa cung cấp đầy đủ thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn; chưa khai thác hết dữ liệu trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế do giới hạn phân quyền.
Với các trường hợp kinh doanh có thuê đơn vị giao nhận thu hộ tiền bán hàng (COD), dù có ký hợp đồng thuê, nhưng các đơn vị giao nhận chưa cung cấp, hoặc cung cấp nhưng không xác định được tên, mã số thuế của tổ chức, cá nhân bán hàng để quản lý thuế.
Với các tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số qua Google, Facebook, Netflix…), cơ quan thuế gửi yêu cầu cho 56 ngân hàng, song chỉ 15 ngân hàng phản hồi.
Thông tin về mặt giải pháp, theo Tổng cục Thuế cho biết, năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc khai thuế, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, như chủ sở hữu sàn giao dịch, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, trung gian thanh toán…
Tổng cục Thuế cũng nghiên cứu xây dựng/thuê ngoài công cụ tự động thu thập dữ liệu của các đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến qua các kênh website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn giao dịch, mạng xã hội.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu từ các nguồn thông tin từ người nộp thuế, thông tin quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin từ kết quả thanh tra, kiểm tra và thông tin từ bên thứ ba. Xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo đó áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo với trường hợp có rủi ro về thuế.
Về phía Bộ Công Thương, ngoài việc tiếp tục thực hiện theo các chỉ thị như: Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 và Quyết định số 2232/QĐ-BCT về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc yêu cầu các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về thuế, pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, liên Bộ có ý kiến thống nhất về các biện pháp xử lý các trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật như công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông, cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ và chặn truy cập từ người dùng tới các nền tảng số xuyên biên giới.