Lễ hội Nàng Hai: Nét ứng xử văn hoá của dân tộc Tày
Lễ hội Nàng Hai(Mẹ Trăng) của dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được bắt nguồn từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi nơi đây. Lễ hội Nàng Hai vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang tính khoa học lịch sử, bởi nó vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày.
Lễ hội Nàng Hai thể hiện nét ứng xử văn hoá của dân tộc Tày |
Theo tín ngưỡng dân gian của người Tày, trên cung trăng có Mẹ Trăng và các nàng tiên. Mẹ Trăng cùng các nàng tiên hàng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng cho hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, thăm thú ruộng đồng, nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở.
Người dân chuẩn bị lễ vật cho Lễ hội Nàng Hai |
Lễ hội Nàng Hai, ngoài ý nghĩa là một lễ hội cầu mùa lớn, nó còn phản ánh tục thờ Mẹ trong tín ngưỡng của người Tày. Bắt nguồn từ tư duy đề cao vai trò người phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, thần thoại khởi nguyên về nghề nông của người Tày là truyền thuyết Pú lương quân với sự tích vợ chồng khổng lồ Báo Luông (trai to), Sao Cải (gái lớn). Trong đó, vai trò của bà mẹ Sao Cải được đặc biệt nhấn mạnh cùng với sự phát sinh, phát triển của nghề nông qua hàng loạt các địa danh liên quan. Sao Cải là hình tượng người mẹ nông nghiệp có thể ví như mẹ Âu Cơ của người Việt. Có lẽ xuất phát từ các quan niệm truyền thống về người Mẹ, kết hợp với quan niệm dân gian coi mặt trăng là chủ thể về thái âm (nữ tính) mà người Tày đã gắn trăng với vai trò của người mẹ lớn cai quản trần gian về nhiều việc, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế trong thần thoại của người Tày, Nàng Trăng chính là con gái Vua trời, được cha giao cho trông coi công việc nhà nông ở cõi trần gian.
Trên bãi căng vải dựng rạp gọi là trại mẻ mành |
Để chuẩn bị cho Lễ hội Nàng Hai, đồng bào dân tộc Tày chọn một bãi đất phẳng, rộng rãi làm nơi mở hội. Trên bãi căng vải dựng rạp gọi là trại mẻ mành. Nơi Nàng Hai ngồi làm lễ đặt ở trung tâm sân có lợp vải hoa và trải chiếu hoa. Trại mẻ mành dựng bằng cọc, trên lợp vải hoa quây thành hình chữ U bao quanh sân hội. Đầu bản và cuối bản dựng cổng chào lớn để đón khách. Các gia đình trong bản chuẩn bị các mâm cỗ mặn gồm các món ăn truyền thống để đón khách đến chơi hội và để thi trong ngày tổ chức lễ hội.
Thầy Tào, Mẻ Cốc, Cường, Sở và các mụ nàng, mụ nọi và hai thanh niên thực hành nghi lễ |
Tham gia Lễ hội Nàng Hai là Mẻ Cốc, Cường, Sở và các Mụ Nàng, Mụ Nọi, thầy Tào và thêm hai thanh niên khỏe mạnh làm khủ tiến có nhiệm vụ đi trước dẹp đường cho đoàn người hành lễ. Cường mặc áo vàng chít khăn vàng, Sở mặc áo đỏ chít khăn đỏ. Mẻ Cốc mặc áo dài chàm; các Mụ Nàng, Mụ Nọi mặc áo dài chàm đầu buộc dải lụa đỏ hoặc vàng. Hai khủ tiến mặc quần áo dân tộc, một người thắt khăn vàng, một người thắt khăn đỏ.
Nàng Hai đã được "nhập" vào Cường, Sở |
Nàng Hai đã xuống và chào mọi người |
Trong Lễ hội Nàng Hai nghi thức quan trong nhất là lễ mời Nàng Hai. Tiếp theo là nghi lễ “mời sluông”, tất cả cùng hát khúc mời sluông vật quạt thật mạnh để sluông nhập vào Cường và Sở. Tiếp theo đến phần “Lên đường” lúc này chia thành hai nhóm, một nhóm ngồi hát còn một nhóm do Mẻ Cốc dẫn đầu gồm khủ tiến, hai nàng Cường, Sở, các Mụ Nàng, Mụ Nọi cầm quạt múa sluông chầu đi vòng quanh trại mẻ mành. Sau khi thực hiện xong các điệu múa đoàn người ngồi xuống chiếu trong lán Nàng Hai để hát khúc lượn slương.
Màn múa quạt tiễn Nàng Hai |
Lễ hội Nàng Hai thể hiện tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Tày để cầu mong mưa thuận gió hòa, đoàn kết và tôn trọng trong cộng đồng, đó là nét ứng xử rất văn hóa của người Tày. Lễ hội Nàng Hai đã khơi dậy và quy tụ được mối đồng cảm đó. Đây là một lễ hội kéo dài nhiều ngày, là lễ hội diễn xướng cộng đồng, chưa kể còn nhiều thủ tục đòi hỏi phải có sự nhất trí cao trong quá trình tổ chức. Để có được một Lễ hội Nàng Hai với quy mô như vậy, đó là một sự cố gắng, sự đoàn kết nhất trí của cả cộng đồng dân tộc Tày.
Lễ hội Nàng Hai là dịp mọi người gặp gỡ, trao đổi tăng thêm mối quan hệ bang giao thân tình giữa những người trong vùng. Thông qua việc đối đáp với Nàng Hai, người ta không ngại bộc lộ tâm can để được chia sẻ những buồn vui, khúc mắc. Nếu không có lễ hội, có mấy ai dám thổ lộ tâm tư tình cảm của mình trước đám đông? Trong lễ hội qua tiếng nói của Nàng Hai người ta tìm được sự đồng cảm của tiếng nói bạn bè. Có lẽ vì vậy mà trước khi vào hội chính các Mẻ Cốc đã phải dạy cho Cường và Sở rất nhiều bài lượn gốc về các số phận, các hoàn cảnh cụ thể của con người để các Nàng dễ bề đối đáp, vỗ về, an ủi. Có thể nói, Lễ hội Nàng Hai như một trường học đầy ắp nhân văn, nơi kêu gọi mọi người không kể địa vị, tuổi tác, mối quan hệ hãy thương yêu, nhân từ, độ lượng với nhau hơn. Nơi đây con người được gắn kết trong tình thương yêu đồng loại.
Đoàn người vừa hát vừa rời sân hội đi ra bờ suối làm lễ thả thuyền tiễn Nàng Hai rời trần gian |
Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, đồng bào Tày ở Cao Bằng vẫn luôn gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình, góp phần làm phong phú trong tổng thể bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam.