Thứ sáu 08/11/2024 22:31

Lễ hội Mường Xia, nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa

Lễ hội Mường Xia là nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái gắn liền với công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào, người có công diệt trừ quân xâm lược.

Ở Thanh Hóa, có lẽ ai cũng biết đến Lễ hội Mường Xia, đây là nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái gắn liền với công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào, người đã có công lớn trong việc diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho người dân xứ Thanh.

Mường Xia gắn liền với công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào

Theo Dư Địa chí huyện Quan Sơn, Tướng quân Tư Mã Hai Đào là người họ Hà, sinh ra ở Mường Đào thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ông mồ côi cha mẹ từ rất sớm, lúc còn nhỏ ông là đứa trẻ thông minh, đam mê luyện tập bắn cung, mài kiếm.

Rước Hòn Đá Vía lên đền thờ Tư Mã Hai Đào (Ảnh phòng Văn hóa Quan Sơn cung cấp)

Lớn lên Tư Mã Hai Đào có vóc dáng lực lưỡng, tướng mạo phi phàm, giỏi võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ hiền tài, phò vua diệt giặc cứu nước, ông được quan Lang cho theo đến kinh kỳ tham gia hội thi đấu võ. Võ đài năm ấy, ông liên tục thắng cuộc trước sự thán phục của nhiều người.

Tiếng lành đồn xa, cái tên Hai Đào gắn liền với tướng mạo phi phàm, tinh thông võ nghệ đã làm rung động trái tim con gái nhà vua. Con gái nhà vua đã đem lòng yêu mến Tư Mã Hai Đào, nhà vua đã tác hợp cho hai người và yêu cầu thầy đồ dạy chữ cho con rể. Được học chữ và thường xuyên tập luyện võ, ông trở thành người văn võ song toàn.

Cũng vào thời điểm này, giặc phương Bắc đang rình rập biên giới đất liền miền Tây xứ Thanh, Tư Mã Hai Đào đã xin cấp binh mã, vũ khí, lương thực để lên trấn ải vùng biên cương. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, ông triệu tập thêm binh lính, chuẩn bị lương thực, rèn thêm vũ khí rồi đưa quân lên biên giới (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Đoàn quân đã chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, biên giới thanh bình, Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia làm thủ phủ. Từ đó, Mường Xia trở nên sầm uất, dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động giao thương trở nên tấp nập. Khi về già, ông mất tại Mường Xia, người dân an táng ông tại núi Pha Dùa.

Lễ hội Mường Xia nhớ ơn Tư Mã Hai Đào

Để nhớ ơn công lao to lớn của Tư Mã Hai Đào - người đã có công gìn giữ biên cương của Tổ quốc, mang lại ấm no cho bản làng, hàng năm cứ đến ngày mùng 9 - 10 tháng 2 (âm lịch) đồng bào dân tộc Thái nơi đây lại tổ chức lễ hội Mường Xia.

Theo các cụ cao niên bản địa, để chuẩn bị cho lễ hội, trước ngày chính lễ, thầy mo đại diện Mường Xia chuẩn bị một mâm lễ cúng gồm thịt lợn, thịt gà, vò rượu cần, vải thổ cẩm, tiền, vòng tay, vòng cổ bằng bạc, trầu cau, hương, hoa quả đến đền thờ Tư Mã Hai Đào để xin phép ngài và các vị thần linh cho Mường Xia được tổ chức lễ hội.

Sáng hôm sau, trong không khí tưng bừng, rộn ràng tiếng nhạc, rực rỡ trang phục bản địa, ban tổ chức, Nhân dân huyện Quan Sơn và du khách thập phương sẽ tập trung tại khu hòn đá vía để khai hội, cúng vía cho đất Mường Xia và rước kiệu, mâm lễ về đền thờ Tư Mã Hai Đào. Về đến đền thờ, đội cúng nhanh chóng mang đồ lễ ra chân núi Pha Dùa (nơi đồng bào an táng Tướng quân Tư Mã Hai Đào) tiếp tục làm lễ cúng. Sau lễ cúng tại hòn đá vía, chân núi Pha Dùa, đội cúng sẽ dâng lễ tại đền thờ Tư Mã Hai Đào thực hiện các nghi lễ quan trọng của lễ hội Mường Xia.

Đẩy gậy, thể hiện tài năng, trí thông minh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và tinh thần thượng võ thông của đồng bào dân tộc

Tiếp đó, đội cúng và Nhân dân sẽ tiếp tục làm lễ tại các điểm nơi giao hòa của sông Luồng, suối Xia và Piềng Phay. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian. Đây là dịp để người dân các bản thể hiện tài năng, trí thông minh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và tinh thần thượng võ thông qua một số trò như: hát khặp, đánh chiêng, nhảy sạp, tung còn, tó má lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, khua luống, khặp, múa chá, cà kheo...

Lễ hội Mường Xia được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày nay, lễ hội Mường Xia không chỉ thu hẹp ở đồng bào dân tộc Thái thuộc các xã Sơn Thủy mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường, Mông huyện Quan Sơn và Mường Đào, huyện Bá Thước - quê hương của Tư Mã Hai Đào. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lễ hội Mường Xia vẫn được người dân địa phương trao truyền qua nhiều thế hệ. Đến nay, lễ hội có sự thay đổi để phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của nó.

Với những giá trị lịch sử, nhân văn và khoa học sâu sắc, vừa qua lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp và Nhân dân huyện Quan Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lễ hội Mường Xia là hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Thái huyện Quan Sơn. Lễ hội còn là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc, cùng nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được bình an, hạnh phúc.

Huyện Quan Sơn sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bắt đầu từ 8 giờ ngày 1/3/2023 (tức ngày 10/2 năm Quý Mão) tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy.

Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Xia và Lễ hội Mường Xia năm 2023 sẽ được tổ chức quy mô cấp huyện. Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 1/3/2023 (tức ngày 10/2 năm Quý Mão) tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy. Lễ nghi được thực hiện tại 5 điểm thờ cúng, gồm: địa điểm Hòn Đá Vía; đền Chính thờ thần Tư Mã; Xứa Tú Nặm - nơi núi Pha Dùa; Sần Cuống Xộp Xia để cúng lễ cho binh lính của thần bị chết trận; và cuối cùng là Sần Phiềng Phay. Ngoài ra huyện Quan Sơn sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, hội thi văn nghệ quần chúng và các trò chơi dân gian, tham quan trải nghiệm tại các khu du lịch trên địa bàn huyện.

“Đây là niềm vinh dự, tự hào của huyện Quan Sơn, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức lớn lao đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân cùng chung sức để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Thời gian tới, huyện Quan Sơn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được ý nghĩa và giá trị của lễ hội Mường Xia, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội”- ông Thơ cho hay.

Hoàng Minh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng

Thể lệ Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024

Gia Lai: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức

Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm 2024: Thu hút đầu tư du lịch khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ

Bố Trạch - Quảng Bình: Tính dụng chính sách “chủ công” hỗ trợ hộ nghèo

Thừa Thiên Huế: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ IV

Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô”

Du khách sẽ được tham dự Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hoá các dân tộc

Lễ hội Hết Chá răn dạy con người biết sống có tình, có nghĩa

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cor gần gũi với thiên nhiên

Nét duyên trong trang phục phụ nữ dân tộc Lào vùng Tây Bắc

Kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4

Lễ hội Rija Nagar - Lan tỏa các giá trị văn hóa Chăm

Thổ cẩm, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng

Đặc sắc lễ mừng cơm mới của dân tộc S’tiêng