Làm gì để ứng phó điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại dương?
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đối diện các vụ điều tra phòng vệ thương mại
Nhờ tận dụng cơ hội hợp tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thời gian qua, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương tăng trưởng rất tích cực.
Thép là mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, hàng hoá Việt Nam đã phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương. Bà Trương Thùy Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cho biết, để bảo hộ ngành sản xuất nội địa một cách hiệu quả, các nước, vùng lãnh thổ châu Á, châu Phi và châu Đại dương thường xuyên điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tục tạo ra sức ép cạnh tranh với hàng hóa sản xuất nội địa.
Đến nay, số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại hàng hoá Việt Nam tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương là 139/257 vụ việc, trong đó, châu Á chiếm 45,9% tổng số vụ việc; châu Phi chiếm 1,17% tổng số vụ việc; châu Úc chiếm 7% tổng số vụ việc. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines …
Theo Cục Phòng vệ thương mại, mặt hàng bị thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng, trong đó, châu Á tập trung vào một số mặt hàng như: Thép cán nóng, thép gỉ cản nguội, ống đúc đồng; châu Phi tập trung vào một số mặt hàng như nhôm, đèn huỳnh quang; châu Đại dương chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng như thép mạ hợp kim, ống và ống dẫn bằng thép, tháp gió.
Bà Trương Thùy Linh chỉ rõ, các vụ điều tra phòng vệ thơng mại từ thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương mang nhiều nét riêng biệt, gắn liền với văn hoá và trình độ phát triển kinh tế của mỗi bước, vùng lãnh thổ. Đơn cử, Úc – đại diện cho châu Đại dương được đánh giá là có quy trình điều tra tương đối minh bạch và công bằng, tạo điều kiện cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội chứng minh không tồn tại trợ cấp, bán phá giá hoặc can thiệp để tạo ra lợi thế xuất khẩu bất bình đẳng.
Một số nước châu Á như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Philippines có thực tiễn điều tra ít nhiều mang tính áp đặt, có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức cần thiết. Ví dụ như Ấn Độ tự khởi xướng điều tra chống trợ cấp; Indonesia tuyên bố sẽ áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu.
Hay trong vụ điều tra chống bán phá giá với xi măng, ban đầu Philippines đưa ra cách tính khiến mức thuế suất của Việt Nam cao hơn so với thực tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã đưa ra các lập luận pháp lý đề nghị Philippines đưa ra phương pháp tính công bằng và phù hợp quy định của WTO. Kết quả là mức thuế suất của Việt Nam đã giảm so với cách tính ban đầu.
Đối với thị trường châu Phi, có 2 đại diện là Ai Cập và Morrocco đã điều tra biện pháp tự vệ liên quan tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy không có ảnh hưởng tiêu cực do các doanh nghiệp trong ngành xác nhận không xuất khẩu (vụ việc Ai Cập điều tra nhôm thỏi) và Morrocco chấm dứt điều tra và không áp thuế trong vụ việc săm lốp.
Nâng cao nhận thức, kỹ năng để kịp thời ứng phó
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nhóm thị trường tiềm năng này do vậy việc nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Qua đó, có thể chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất hàng Việt xuất khẩu.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, cũng như xu hướng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ tại các thị trường này. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương, chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh.
Trong đó, bà Trương Thuỳ Linh lưu ý, khi một vụ việc xảy ra doanh nghiệp cần: Xác định định hướng, chiến lược tham gia; họp bàn với hiệp hội và cơ quan Chính phủ về phương án xử lý vụ việc; chuẩn bị sẵn hồ sơ, số liệu, thông tin; xem xét sử dụng luật sư tư vấn phù hợp; tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà nhập khẩu; tham gia, hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra trong tất cả các giai đoạn của vụ việc; phối hợp với hiệp hội và Chính phủ trong toàn bộ diễn biến vụ việc để nhận sự hỗ trợ cần thiết; gửi các bản lập luận, phản biện tới cơ quan điều tra liên quan đến kết luận sơ bộ và cuối cùng, tham gia các phiên điều trần.
Riêng quá trình trả lời bản câu hỏi điều tra, doanh nghiệp được khuyến cáo cần cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, nộp đúng hạn; ngôn ngữ, hình thức, cấu trúc bản trả lời theo hướng dẫn; có sự hỗ trợ của luật sư tư vấn; phối hợp trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại. “Nếu quả trính hợp tác cung cấp thông tin điều tra không đầy đủ không chính xác, nộp muộn, không nộp sẽ bị coi là bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ”- bà Linh cho hay.
Ngoài ra, đại diện Cục Phòng vệ thương mại lưu ý thêm, khi bị áp thuế phòng vệ thương mại, cần xem xét khiếu nại ra WTO nếu thấy đủ lập luận về việc cơ quan điều tra vi phạm pháp luật; cũng như tham gia các đợt ra soát áp thuế phòng vệ thương mại.
Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nhóm thị trường tiềm năng này. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng như đẩy mạnh tuyên truyền đào tạo nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.