Doanh nghiệp Hà Nội chủ động thực hiện tiết kiệm năng lượng Doanh nghiệp Hà Nội tăng cường chuyển đổi số và chuyển đổi xanh |
Doanh nghiệp còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra
Khu vực châu Á - châu Phi và châu Đại Dương là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nhưng đồng thời đây cũng là thị trường đang có nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, đến nay đã có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng. Ảnh: TTXVN |
Riêng đối với Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với thị trường các nước châu Á, châu Phi và châu Đại Dương gồm 120 nước là thị trường xuất khẩu quan trọng trong những năm vừa qua, trị giá xuất khẩu hàng hóa tính đến hết quý III/2024 đạt gần 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, một số ngành, một số doanh nghiệp đã xác định được điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Mặc dù vậy, do đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về phòng vệ thương mại chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp.
Để ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nhóm thị trường này, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, như vụ việc Ấn Độ điều tra chống trợ cấp thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2018; vụ việc Australia điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác của Việt Nam năm 2020; …
Tuy nhiên, qua ghi nhận cho thấy, công tác phòng vệ thương mại còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể là: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại nói chung cũng như các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể được thành phố triển khai thường xuyên và bằng nhiều hình thức đa dạng nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp và các cán bộ quản lý nhà nước còn hạn chế và bị động. Một số Hội, Hiệp hội còn chưa phát huy hết vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong Hội, Hiệp hội; công tác phòng vệ thương mại chưa được các Hội, Hiệp hội quan tâm đúng mức...
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc thay đổi để đáp ứng với các rào cản kỹ thuật của các nước khi tham gia vào các thị trường nước ngoài; các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là việc đào tạo cũng như thu hút được đội ngũ tri thức chuyên biệt về phòng vệ thương mại...
Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, xuất khẩu chung của Việt Nam những tháng cuối năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức sẽ không ít khi cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng lớn, hiện tượng ban hành các biện pháp bảo hộ tại một số thị trường xuất hiện ngày càng nhiều như Ấn Độ, ASEAN; xu hướng áp đặt các tiêu chuẩn nhập khẩu mới, tiêu dùng xanh bền vũng, đang ngày càng phổ biến.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – bà Trương Thuỳ Linh cũng cho hay, hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Phạm vi sản phẩm điều tra gày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy đĩa…
Đặc biệt, theo bà Trương Thuỳ Linh, xu hướng điều tra của thị trường ngày càng khắt khe, cụ thể là đặt ra những yêu cầu cao đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra; phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, bao gồm các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường.
“Từ các nguy cơ trên, các cơ quan địa phương sẽ là kênh thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp địa phương; là cơ quan đầu mối, cánh tay nối dài của các cơ quan trung ướng; phối hợp cung cấp thông tin phục vụ điều tra. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan trung ương tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi, đào tạo, tập huấn; tích cực nâng cao kiến thức phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp”- bà Trương Thuỳ Linh bày tỏ.
Thời gian tới, để đẩy mạnh và thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa cũng như nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á - châu Phi và châu Đại Dương, ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin, Thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong đó chú trọng tới chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng nêu đề xuất Bộ Công Thương tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp nhằm hỗ trợ bảo vệ thị trường, doanh nghiệp Việt Nam trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài. Thông qua hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài, kịp thời có các báo cáo về các thay đổi chính sách của đối tác, phản ứng của thị trường nước ngoài để kịp thời có các giải pháp, đối sách phù hợp.
Ngoài ra, theo Sở Công Thương Hà Nội, Bộ Công Thương cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan làm công tác phòng vệ thương mại tại địa phương để triển khai có hiệu quả công tác và các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, caần định hướng công tác tuyên truyền cho các địa phương, cung cấp thường xuyên, kịp thời thông tin, văn bản, tài liệu tuyên truyền cho các địa phương để có cơ sở tuyên truyền tại địa bàn.