“Sầu riêng, tôm hùm và tuyết có điểm gì chung? Tất cả đều mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể trong một năm đầy khởi sắc của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định trong một bài viết mới đây.
Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị tổng kết năm 2024 Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây). Ảnh: Dangcongsan.vn |
Theo SCMP, mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia đã có những bước tiến lớn, nhờ các cuộc đối thoại cấp cao, thương mại sôi động và các khoản đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng và sản xuất.
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 212,9 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng mạnh so với mức 183,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm từ Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng mạnh 157% so với cùng kỳ, đạt 298 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Sầu riêng cũng ghi dấu ấn với tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,78 tỷ USD, tăng 42,6% so với năm trước. Việt Nam hiện vượt qua Thái Lan, trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, với mức giá trung bình 282 Nhân dân tệ/quả (khoảng 635.000 đồng) tại các siêu thị Trung Quốc.
Trong lĩnh vực du lịch, Trung Quốc là nguồn khách lớn thứ hai của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, với 1,8 triệu lượt khách, tăng đáng kể so với 557.000 lượt cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, Việt Nam cũng ghi nhận lượng khách du lịch sang Trung Quốc tăng mạnh. Riêng thành phố Trương Gia Giới, thuộc tỉnh Hồ Nam, đã đón hơn 42.000 lượt khách Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Trả lời phỏng vấn với SCMP, bà Phương Nguyễn, Giám đốc truyền thông của tập đoàn kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng Fusion Hotel Group cho biết, khách du lịch Trung Quốc rất thích đường bờ biển dài của Việt Nam, trong khi khách du lịch Việt Nam ngày càng mong muốn đi du lịch Trung Quốc để ngắm tuyết. Theo bà, các công ty lữ hành và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) đã thúc đẩy trào lưu du lịch Trung Quốc của người Việt Nam.
Cơ hội lớn cho đầu tư song phương
Sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được nhận định là một động lực thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Theo công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 26% dân số Việt Nam vào năm 2024, trở thành một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Những thương hiệu như TCL, Xiaomi hay chuỗi nhà hàng Haidilao đã phủ khắp các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc còn tham gia vào lĩnh vực logistics, hậu cần cho xuất khẩu nông sản, nhất là sầu riêng.
Ông Ding Wei, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, sức mua của người dân Việt Nam tăng lên trong những năm tới sẽ thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc có tư duy cấp tiến.
Một trong số những doanh nghiệp đã kịp “bắt” làn sóng đầu tư từ Việt Nam là Gotion. Vào năm ngoái, nhà phát triển pin xe điện Trung Quốc này đã đồng ý đầu tư 150 triệu USD vào cổ phiếu của hãng xe điện VinFast, thuộc Tập đoàn Vingroup. Trong khi đó, hồi tháng 11, phía Vingroup đã khẳng định rằng Gotion hiện là "đối tác quan trọng" trong chuỗi cung ứng của VinFast và "là một phần trong nỗ lực hợp tác với các đối tác tiềm năng trên toàn cầu, để đa dạng hóa nguồn cung ứng của chúng tôi".
Tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng
Không chỉ tăng trưởng về kinh tế, hợp tác về cơ sở hạ tầng giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng liên tục được cải thiện trong thời gian vừa qua. Trong năm 2025, Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có điểm đầu nối với tuyến đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai, và được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Trong khi đó, vào tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Công trình Đường sắt Trung Quốc (CCCC) đã ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn của South China Morning Post, giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales (Australia), cho biết sự tăng trưởng trong thương mại đã làm tăng tính cấp thiết trong việc kết nối các tuyến đường sắt Trung - Việt. “Tại Bắc Kinh, các quan chức muốn có nhiều kết nối đường sắt hơn trên khắp Đông Nam Á để giúp mở rộng hợp tác kinh tế”, giáo sư Thayer cho biết.
Giáo sư người Úc cũng khẳng định, dự án đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội -Hải Phòng kết nối với hệ thống đường sắt Côn Minh-Bangkok-Singapore, cho phép hàng hóa chạy từ Việt Nam, sang Trung Quốc và đến điểm cuối của lục địa Đông Nam Á. Ông cũng nói thêm, sự tham gia của Trung Quốc vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ "mở rộng kết nối của Trung Quốc" từ TP. Hồ Chí Minh đến Campuchia và Thái Lan.
Theo giáo sư Thayer, những thành công trong việc cơ sở hạ tầng đặc biệt có được nhờ hàng loạt các hoạt động tiếp xúc lãnh đạo cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. “Việt Nam đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ đối ngoại và luôn mở rộng mọi con đường liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn”, giáo sư người Australia nhận định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế giữa chính phủ hai nước trong thời gian tới. Ông Ding Wei, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã giữ thái độ cởi mở. Họ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam và mong muốn có quan hệ kinh tế với Việt Nam”.