Thứ hai 25/11/2024 22:55

Lâm Đồng: Đà Lạt trong ''cơn bão'' biến đổi khí hậu

Được mệnh danh là "xứ sở sương mù”, nhưng giờ đây Đà Lạt đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự biến đổi khí hậu, xuất hiện tình trạng ngày càng nóng lên.

Bảo vệ Đà Lạt "thiên đường nhiệt đới"

Do ảnh hưởng chung của sự biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Đà Lạt được mệnh danh là “xứ sở sương mù”, “tiểu Paris thu nhỏ” "thành phố của những tháng năm đẹp nhất" đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu. Dữ liệu cho thấy, nhiệt độ trung bình ở Đà Lạt đã tăng 1,2°C trong 10 năm qua, kéo theo những thay đổi đáng lo ngại về lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan, mùa khô thì hạn hán kéo dài, mùa mưa thường xuất hiện tình trạng sạt lở, ngập lụt cục bộ, mưa đá,…

TP. Đà Lạt hiện có khoảng 300 ha nhà lưới, nhà kính. (Ảnh: Lê Sơn)

Đà Lạt nằm ở cao nguyên Lâm Đồng, với khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình quanh năm khoảng 18-25 độ C. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiệt độ trung bình ở Đà Lạt liên tục tăng với nhiều ngày nắng nóng lên tới trên 30 độ C, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và hoạt động du lịch tại đây. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm việc mất rừng, gia tăng dân số và phát triển các hoạt động công nghiệp; thương mại; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dưới nhà lưới, nhà kính; tình trạng đô thị hoá quá nhanh,…

Lực lượng chức năng TP. Đà Lạt tiến hành kiểm tra, giải toả các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng. (Ảnh: Lê Sơn)

Sự biến đổi khí hậu đang gây ra một số hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân, ngoài ra, các hoạt động du lịch, ngành kinh tế then chốt của Đà Lạt cũng đang chịu ảnh hưởng. Nhiệt độ tăng cao đã khiến nhiều du khách hoãn hoặc hủy kế hoạch du lịch tại thành phố này. Bên cạnh đó, sự suy giảm về cây xanh, hoa và các sản vật địa phương cũng ảnh hưởng đến nét độc đáo của Đà Lạt, từ đó giảm sức hấp dẫn đối với khách du lịch.

Để ứng phó với tình trạng khí hậu nóng lên, các chuyên gia đề xuất cần có những chính sách và hành động cụ thể từ chính quyền địa phương cũng như sự vào cuộc tích cực của cộng đồng. Ưu tiên trồng rừng; hạn chế phát triển nhà lưới, nhà kính làm nông nghiệp trong nội đô; cần thận trọng hơn nữa trong vấn đề quy hoạch đô thị,…đây là những giải pháp quan trọng, then chốt. Song song đó, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Tình trạng nóng lên tại Đà Lạt không chỉ là thách thức đối với thành phố này, mà còn là dấu hiệu cảnh báo về những tác động của biến đổi khí hậu đối với cả nước. Việc sớm có những hành động cụ thể là cần thiết nhằm bảo vệ Đà Lạt và các vùng khác trước những tác động ngày càng nghiêm trọng này. Đặc biệt, có thời điểm nguồn nước ngọt bị cạn kiệt cũng gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hệ sinh thái tự nhiên như rừng nguyên sinh, hồ và thác nước cũng bị tác động không nhỏ. Do đó, phải bảo vệ được tài nguyên rừng, nguồn nước, hạn chế tối đa các tác động đào, khoan giếng nước ngầm,…

Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã triển khai một số giải pháp như khuyến khích người dân, doanh nghiệp,…sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường che phủ thực vật đô thị và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách đồng bộ và quyết liệt hơn để ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu, bảo vệ Đà Lạt "thiên đường nhiệt đới" của Việt Nam.

Thiếu quy hoạch bảo tồn di sản xứng tầm

Ngày 22/5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (TSKH, KTS) Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm: Phát triển đô thị tại Việt Nam nói chung và tại Đà Lạt nói riêng, thời gian qua có nguy cơ chung là thiếu bền vững, bê tông hóa nhiều, xâm hại không gian xanh, mặt nước và di sản, dẫn đến hệ lụy là ngập lụt cục bộ, kẹt xe, mất bản sắc. Điều đáng nói là những khu ngập lụt, kẹt xe nặng thường là những khu dự án mới.

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. (Ảnh: NVCC)

Đằng sau hình ảnh nhiều công trình mới mọc lên là nguy cơ thiệt hại cho ngân sách vì nhà đầu tư chỉ làm dự án bán lấy tiền, gánh nặng hạ tầng và môi trường "đẩy" hết cho chính quyền địa phương, Nhà nước lo. Bất công này xuất phát từ lòng tham của nhà đầu tư và có phần yếu kém, buông lỏng trong quản lý đô thị, sử dụng đất sai mục đích,... Chính quyền không có cơ chế buộc các chủ đầu tư phải có trách nhiệm xử lý tác động môi trường nên cuối cùng phải lấy tiền thuế của dân để giải quyết hậu quả.

Tại trung tâm TP. Đà Lạt hiện giờ còn rất ít cây xanh. (Ảnh: Lê Sơn)

Dự án nào ở Việt Nam cũng có đánh giá tác động môi trường nhưng hiệu quả thực hiện không cao. Có dự án chủ đầu tư thu lời cả tỷ đô la nhưng không hề trả phí bồi thường tác hại môi trường trong khi chính quyền phải chi hàng ngàn tỷ đồng để xử lý hậu quả ngập nước, kẹt xe. Ở nước ngoài, khi dự án có gây tác động môi trường như làm kẹt xe, ngập nước thì nhà nước luôn có biện pháp buộc nhà đầu tư đóng góp chi phí để xử lý.

Trở lại câu chuyện về Đà Lạt, đây là thành phố có nhiều giá trị di sản nhưng chưa được trân trọng đúng tầm. Những năm qua, khu vực trung tâm thành phố gần như không có cây xanh, bị bê tông hóa nhanh chóng dẫn đến mùa khô nắng nóng, hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng cao, còn mùa mưa bắt đầu ngập nước, kẹt xe, sạt lở,…

Chúng ta có thể so sánh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cách TP. Đà Lạt không xa, hãy nhìn cách chính quyền nơi đây quy hoạch đô thị, đường xá rộng rãi, thoáng mát bởi hai bên đường là những hàng cây xanh che phủ, làm giảm nhiệt độ nắng nóng đáng kể.

Khi được hỏi về Đà Lạt, chị Hoàng Thị Quỳnh Như, một du khách đến từ tỉnh Khánh Hoà chia sẻ: "Đến Đà Lạt du lịch lần này, tôi và gia đình không khỏi ngỡ gàng vì nơi đây đang diễn ra tốc độ đô thị hoá quá nhanh, gần tương đồng với các thành phố khác của Việt Nam, khí hậu nóng lên rõ rệt, cảm giác oi bức vào buổi trưa, nắng rát tay,… Cùng với đó, một số điểm du lịch sử dụng đồ trang trí, tạo cảnh giả, bằng đồ nhựa đã làm mất đi bản sắc, sự thơ mộng vốn có của Đà Lạt."

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Đà Lạt đang thiếu quy hoạch bảo tồn di sản xứng tầm để thể hiện được 3 yếu tố cốt lõi là khu di sản của Pháp, khu di sản của người Việt và hai trục cảnh quan suối Cam Ly, hồ Xuân Hương nhìn về núi Lang Biang.

Trong vài thập niên qua, những nhà đầu tư phát triển Đà Lạt chưa tận dụng được thế mạnh về không gian thiên nhiên và không gian di sản của nơi đây cho các dự án du lịch. Đáng tiếc nhất là đến nay Đà Lạt chưa có các khu đô thị mới, hiện đại, xứng tầm có thể thu hút cư dân có trình độ và người có thu nhập cao đến sinh sống.

Tháng 11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng bác đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/500 khu trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt, bao gồm dự án khách sạn cao tầng trên đồi Dinh Tỉnh trưởng, điều này chứng tỏ lãnh đạo tỉnh đã nhìn ra vấn đề. Tôi hy vọng đây là câu chuyện bắt đầu của một quy trình sửa sai về quy hoạch và thiết kế đô thị để đưa Đà Lạt trở lại con đường phát triển bền vững, gắn với bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn di sản – TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Lê Sơn
Bài viết cùng chủ đề: Biến đổi khí hậu

Tin cùng chuyên mục

“Cấm” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Hàng Việt và giải pháp đối mặt với những ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Hành vi thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cần làm gì để không tái diễn?

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Khi doanh nghiệp vào cuộc cho những mục tiêu lớn của công nghệ cao và phát triển xanh

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Chống lãng phí: Thiếu vật liệu san lấp dự án giao thông sao không dùng tro xỉ?

Vụ GFDI vỡ nợ hơn 3.700 tỷ đồng: 'Bánh ngọt' liệu có dễ xơi?

Chi Dân, An Tây và loạt nghệ sĩ dính đến ma tuý: Nghĩ về trách nhiệm của người nổi tiếng

Có tiền nhàn rỗi, mua vàng cất giữ hay gửi tiết kiệm ngân hàng lúc này?

Chuyện giá vàng trong nước: Cầm vàng đừng để vàng 'rơi'

Phụ huynh học sinh cần làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông cho con em?

Hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam và câu chuyện ‘tiếp sức’ cho hàng hoá Việt

Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2024: Bứt phá ngoạn mục vẫn cần tỉnh táo