Toàn cảnh buổi họp báo |
Nhiều dự án Luật, Nghị quyết được thảo luận, xem xét, thông qua
Theo đó, tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời cũng tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Trong đó các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
5 dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về 5 dự thảo Luật gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng
Liên quan đến công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng khác, tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các vấn đề như các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, một số báo cáo được gửi cho đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm: Các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội...
Nhân sự là vấn đề được quan tâm
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời nhiều vấn đề được báo chí quan tâm |
Trong khuôn khổ buổi họp báo, các cơ quan báo chí cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề thay đổi, điều chuyển, khuyết nhân sự (đại biểu quốc hội) trong thời gian qua. Căn cứ pháp lý của việc điều chuyển, thay đổi là gì và liệu có bầu bổ sung các đại biểu khuyết hay không. Đơn cử như trường hợp của ông Võ Kim Cự xin thôi vì lý do sức khỏe, ông Đinh La Thăng chuyển về đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa...
Về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 2 đại biểu từ trần, 3 đại biểu bị kỷ luật hoặc xin thôi vì lý do sức khỏe.
"Đại biểu Quốc hội là của toàn dân, toàn quốc nên việc điều chuyển, thay đổi là bình thường. Trường hợp bị khuyết 10% thì chúng ta mới xem xét bầu bổ sung" - Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Riêng về dự thảo Luật Biểu tình, sau khi nhiều cơ quan báo chí cho rằng, dự thảo Luật Biểu tình dù đã nhiều lần được nhắc đến nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dự thảo Luật Biểu tình đến nay vẫn chưa đạt chất lượng nên phải xem xét lại. Một dự thảo Luật sẽ chỉ được đưa ra thảo luật, xem xét và thông qua tại Quốc hội nếu đảm bảo chất lượng.