Kinh tế phục hồi nhanh
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, những hoạt động của ngành Công Thương thành phố trong năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, trong đó doanh thu giảm sút mạnh nhất ở lĩnh vực thương mại và dich vụ. Tuy vậy, bằng nỗ lực của mình, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương về những chính sách đầu tư, cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường, xuất khẩu...
Cụ thể, chỉ tính đến hết tháng 11/2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.172.800 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 1,1% so cùng kỳ. Riêng kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 40.362,1 triệu USD, tăng 5,2% so cùng kỳ; trong đó xuất khẩu không tính dầu thô đạt 38.789,9 triệu USD, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tình hình dịch bệnh phong tỏa các hoạt động kinh tế ngoại thương, tuy nhiên thống kê đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đã đạt 3,81 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bạc Liêu. Đáng chú ý, ngành thương nghiệp dẫn đầu vốn đăng ký với 931,2 triệu USD, chiếm đến 24,4%; khoa học và công nghệ 849,8 triệu USD, chiếm 22,3%; bất động sản 822,4 triệu USD, chiếm 21,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 495,5 triệu USD, chiếm 13%...
Đặc biệt, năm 2020, kinh tế thành phố có sự phục hồi và tăng trưởng trong năm 2020 là nhờ chính quyền, các sở ngành và cộng đồng DN đã áp dụng hàng loạt giải pháp để vượt qua khủng hoảng, trong đó có chương trình tăng kết nối cung cầu, khai thác thị trường nội địa, khai thác tối đa hoạt động thương mại điện tử.
Ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ đà tăng trưởng dù dịch Covid- 19 gây nhiều khó khăn |
Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, sau đợt giãn cách xã hội (từ ngày 1-15/4/2020) để phòng chống dịch Covid-19, đầu tháng 5/2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2020” do lãnh đạo thành phố chủ trì. Theo đó, xác định DN là trụ cột đồng thời là động lực phát triển của nền kinh tế và hàng loạt chương trình để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến, trong tháng 6 và 7/2020, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa đã được thành phố triển khai và mang lại hiệu quả tích cực cho mục tiêu hồi phục kinh tế.
Đơn cử như Chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi” với 1.242 DN đăng ký 1.745 chương trình với tổng giá trị khuyến mãi hơn 146 tỷ đồng. Với thành công của chương trình này, UBND thành phố đã cho phép Sở Công Thương tiếp tục tổ chức chương trình “Khuyến mại mùa vàng” dịp cuối năm. Cả hai đợt khuyến mại đều cho phép hạn mức tối đa lên đến 100% hàng hóa dịch vụ.
Bên cạnh đó, ngay khi vừa hết giãn cách, thành phố tổ chức Chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020” thu hút 486 DN đến từ 29 tỉnh thành tham gia với 650 gian hàng đặc sản, sản phẩm chủ lực của nhiều vùng miền. Các DN tham gia đã ký kết thành công với 172 hợp đồng cung - cầu hàng hóa. Tạo động lực giúp DN phục hồi sản xuất hiệu quả hơn.
Giải pháp mới cho tình hình mới
Dịch Covid-19 không chỉ làm đứt gãy dòng chảy hàng hóa trên thị trường mà còm làm thay đổi nhịp độ sản xuất kinh doanh. Để phục hồi và phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh với nhiều giải pháp và phương thức mới. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều chương trình kết nối giao thương, đẩy mạnh sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, lương thực - thực phẩm; y tế và dược phẩm; kết nối DN với ngân hàng, giúp DN có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu.
Mặc dù kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2020 nhưng hoạt động thương mại vẫn tăng trưởng |
Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX tổ chức hồi đầu tháng 12/2020, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, năm 2021, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, nhất là tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó thành phố sẽ phát huy hiệu quả các hội đồng ngành kinh tế (nhà nước, nhà trường và DN) để tập trung phát triển các ngành sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao. Tổ chức diễn đàn kinh tế 2021 phù hợp tình hình dịch bệnh; triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa và coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh thương mại điện tử; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc trưng và chủ lực của thành phố. Thành phố sẽ tập trung phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tất cả các khâu từ quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, nhất là DN vừa và nhỏ. Với những giải pháp, hỗ trợ nói trên, giới chuyên gia nhận định sẽ giúp các ngành kinh tế, DN trên địa phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới.