Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Ninh Thuận năm 2024 chỉ rõ, trong bối cảnh kinh tế xã hội còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra phương châm hành động năm 2024 “Đoàn kết kỷ cương, linh hoạt sáng tạo, tăng tốc hiệu quả”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời kế hoạch triển khai, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt 3 khâu đột phá gồm: đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai và 06 ngành, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng: thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị.
Nhờ đó, hết năm 2024, dự kiến có 12/18 chỉ tiêu của Ninh Thuận sẽ đạt kế hoạch, gồm: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.248 tỷ đồng tăng 7,1% so cùng kỳ, vượt 6,2% (kế hoạch 4.000 tỷ đồng); Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP ước đạt 42,22% (kế hoạch 42%); Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP ước đạt 42,86% (kế hoạch 39-40%); Năng suất lao động ước tăng 8,1% (kế hoạch 8-9%). Bên cạnh đó, số lao động được đào tạo nghề đạt 11.501 người, tăng 21,06%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng 48,15%...
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Kim Xuyến |
Điểm sáng đầu tư vào ngành điện, sẵn sàng tái khởi động dự án điện hạt nhân
Trong họp báo, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã cho biết về tình hình đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại địa phương. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Thuỷ điện tích năng Phước Hoà với tổng vốn đầu tư khoảng 22.865 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm ngành năng lượng của cả nước theo Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần phát điện phủ đỉnh lên hệ thống điện Quốc gia, đồng thời làm phẳng biểu đồ phụ tải hệ thống điện, góp phần tạo sự ổn định cho hệ thống điện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong năm 2024 đã gặp một số khó khăn nhất định do đa phần các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII nhưng phương án đấu nối của các dự án chưa được phê duyệt kịp thời. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương, tỉnh đã cập nhật phương án đấu nối (cấp điện áp 110kV) của các dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 29/11/2024. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn Nhà đầu tư đảm bảo năng lực để triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch được phê duyệt.
Bên cạnh đó, với việc tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, khi Trung ương, Quốc hội quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, Ninh Thuận xác định đây là thời cơ, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy sớm hình thành Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước.
Sau khi có các quy định cụ thể lộ trình triển khai các nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, trước mắt tỉnh sẽ chủ động tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án, tăng cường công tác tuyên truyền thông tin, vận động tạo đồng thuận nhân dân khi dự án được triển khai. Đồng thời, xin chủ trương của Trung ương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân; lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai; tính toán lại kịch bản phát triển; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân để bảo đảm điều kiện triển khai trong năm 2024.
Trước đó, năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), với tổng công suất 4.000MW. Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua.
Năm 2012, Bộ Công Thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thời gian năm 2015.
Đến tháng 11/2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án. Sau 8 năm tạm dừng, ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.