Thứ bảy 23/11/2024 19:42

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, duy trì xuất siêu

Kết thúc 11 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã tiến sát mốc 600 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Cán cân thương mại được cải thiện

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 11, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,67 tỷ USD (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Về các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đóng góp khoảng 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng trong nhóm này không chỉ có sự gia tăng về lượng mà giá cũng đạt cao hơn như sắn, cao su, hạt tiêu…

Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ lực, với kim ngạch ước đạt 257,95 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng trưởng cao của nhóm này có đóng góp lớn tới tái hoạt động của doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, có một số thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, như sang EU, Hàn Quốc...

Ở chiều ngược lại, cả nước đã chi khoảng 29,8 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 14% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương lý giải, nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng cao phục vụ dịp Noel và đón năm mới.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi xuất siêu ước đạt 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng, con số xuất siêu của cả nước ước đạt 225 triệu USD.

Tiếp tục mở rộng thị trường

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kết quả xuất nhập khẩu khả quan có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp xuất khẩu. Dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, song các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và phục hồi sản xuất sau dịch nhanh chóng. Đáng chú ý, những ngành thế mạnh mặc dù chịu tác động lớn như dệt may, da giày…, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên đang phục hồi khả quan và cả năm nay có thể vẫn có tăng trưởng 2 con số.

Để thúc đẩy xuất khẩu trong tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ những FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Đơn cử, ngày 30/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chủ trì phối hợp với Tập đoàn JD, Vinanutrifood, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa... xây dựng và phát triển "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc JD.com nhằm hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt. Thông qua kênh này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như đối tác của chương trình. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ có nhiều khả quan hơn.

Sau 11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 599,11 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu 600 tỷ USD chắc chắn sẽ đạt được trong năm nay, sau đúng 2 năm kim ngạch 500 tỷ USD được xác lập.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng