Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang tăng gần 29%
Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 29%
Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2022, tiếp tục xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Tiền Giang đạt 2,53 tỷ USD, tăng 28,7% so cùng kỳ năm 2021 |
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng gần 83% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Tiền Giang, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, giày dép các loại tăng 24,6%; kim loại thường và sản phẩm (kể cả đồng) tăng 31,6% so cùng kỳ; giày dép các loại 424 triệu USD, tăng 24,6%. Tuy nhiên, túi xách, sản phẩm từ chất dẻo có kim ngạch xuất khẩu giảm, lần lượt 19,5% và 20,2% so cùng kỳ.
Đối với nhóm mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 64.000 tấn tăng 21,8%. Điều này cho thấy, nhóm này vẫn chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm 2021 (xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu của năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Riêng kim ngạch xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 59.158 tấn, giảm mạnh 52,4% so với cùng kỳ. Lý giải về nguyên nhân sản lượng xuất khẩu gạo giảm mạnh, ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết: Do ảnh hưởng bởi cước vận chuyển tăng và thường bị trì hoãn do phải điều chỉnh giá hoặc không đủ lượng công. Cùng với đó, thị trường Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn trong quy định xuất nhập khẩu, đồng thời bị ảnh hưởng do thay đổi chính sách của Chính phủ ở thị trường lớn như Philippines (Philippines không cho tư nhân hóa trong nhập khẩu gạo)…
Theo ghi nhận, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi hơn so với cùng kỳ, đơn hàng tăng do ngay từ đầu năm tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Sở Công Thương cùng các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do. Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng, song theo đánh giá của ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang: Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, hiện thị trường này đang áp Lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài “và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” đối với doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm |
Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ chịu tác động mạnh. Đặc biệt, một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm ống đồng, ống thép không gỉ… đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng các hàng rào kỹ thuật mới như: áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại...
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Sở tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động... Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thông tin đến doanh nghiệp về tình hình thông quan, xuất khẩu hàng hóa, nông thủy sản nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Cũng như, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp nắm rõ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, để doanh nghiệp nắm bắt được những ưu đãi mà Hiệp định mang lại, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững.
Đánh giá cao việc Bộ Công Thươngthời gian qua đã triển khai một số thông tin cũng như các quy định mới của thị trường xuất khẩu, ông Đặng Văn Tuấn đề nghị Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường đến địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt vận dụng kịp thời. “Mong Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Tiền Giang tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Tiền Giang nói riêng và các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh nói chung” – quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết.