Thứ tư 18/12/2024 20:10

Kiên Giang: Khuyến công quốc gia hỗ trợ phát triển nghề chế biến nước mắm

Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2022-2024 đã giúp nghề chế biến nước mắm tại Kiên Giang phát triển ngày một mạnh.

Theo thống kê từ Sở Công Thương Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 75 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, trong đó tập trung nhiều nhất là thành phố Phú Quốc với khoảng 56 doanh nghiệp, đạt công suất khoảng 15 triệu lít nước mắm/năm, số còn lại nằm rải rác trên địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Kiên Hải. Hàng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Để có ngành chế biến nước mắm phát triển như hiện nay, thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, trong đó công tác khuyến công đóng góp một phần không nhỏ.

Khuyến công quốc gia hỗ trợ phát triển nghề chế biến nước mắm của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Nói về điều này, ông Lê Minh Trung- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho hay, hoạt động khuyến công thời gian qua đã hỗ trợ cho các cơ sở chế biến nước mắm tập trung vào một số nội dung như: Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực quản lý, tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Đặc biệt, năm 2021, Kiên Giang đã xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm giai đoạn 2022-2024”. Qua 2 năm (2022 và 2023), đề án đã được triển khai thực hiện với 4 nội dung chính (năm thứ 3 - năm 2024 đang đợi cấp kinh phí để thực hiện), tổng kinh phí thực hiện là 9.852 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3.150 triệu đồng; kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng 6.702 triệu đồng.

Tại Hội nghị đánh giá hiệu quả triển khai đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm giai đoạn 2022-2024” diễn ra vừa qua, đại diện Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang ghi nhận, đề án được triển khai đã tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các cơ sở đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm; giảm phát thải ô nhiễm môi trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực xuất khẩu; gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình tăng thu ngân sách cho địa phương.

Đề án đã góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở chế biến nước mắm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác triển khai đề án. Theo đó, một số cơ sở đăng ký hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã không thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, do hạn chế về tài chính.

Mặt khác, thành phố Phú Quốc có định hướng phát triển du lịch, do đó vấn đề môi trường phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay, các cơ sở chế biến nước mắm Phú Quốc nằm rải rác trên địa bàn thành phố nên việc xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất đang là vấn đề khó cần được giải quyết.

Đề án khuyến công quốc gia điểm mới được địa phương triển khai, nên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng về trình tự thủ tục, hồ sơ, các bước tiến hành tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí. Cùng đó, nguồn ngân sách cấp cho đề án vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của các cơ sở, nhất là hỗ trợ các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, do đó chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy mạnh việc đầu tư của các cơ sở chế biến nước mắm.

Với những khó khăn trên, đại diện Sở Công Thương Kiên Giang đề nghị, Cục Công Thương địa phương bổ sung kinh phí khuyến công hàng năm theo như kế hoạch đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở trong tỉnh, đặc biệt là kinh phí trong năm 2024. Đồng thời, tiếp tục phê duyệt đề án “Hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản giai đoạn năm 2025 -2027".

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Khuyến công quốc gia

Tin cùng chuyên mục

Phát triển bền vững - xu hướng nổi trội của ngành dệt may trong năm 2025

Việt Nam có tài sản quý để tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không

Doanh nghiệp công nghiệp vào ‘guồng’ sản xuất, tích cực ‘đón sóng’ cuối năm

Phát triển bền vững: Doanh nghiệp da giày đối mặt 5 thách thức lớn

Sắp diễn ra Hội thảo quốc tế lĩnh vực công nghiệp hàng không

Địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất trong mọi tình huống

Đà Nẵng: Thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên rộng hơn 58,53 ha

Đề xuất kéo dài ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô: Tạo lực đẩy cho ngành ô tô tăng trưởng

Đà Nẵng: Tổng kết chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh năm 2024

Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể làm chủ công nghệ khó

Gia Lai kiến nghị gỡ vướng cho phát triển cụm công nghiệp

Ngành Công Thương nỗ lực hiện thực hoá chủ trương của Đảng về khoa học công nghệ

Ứng dụng công nghệ - 'Chìa khoá' giúp ngành dệt may chinh phục mục tiêu 47-48 tỷ USD

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ

Bộ Công Thương thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp dệt may, da giày

Tích cực thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học

Doanh nghiệp dệt may chủ động đáp ứng kế hoạch kinh tế tuần hoàn

Hà Giang: Nghiệm thu 2 đề án khuyến công địa phương tại Xín Mần và Bắc Quang

11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nam Định tăng 14,8%

Triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025