Khuyến công đã tác động tốt trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn |
Theo đại diện Sở Công Thương Tuyên Quang, năm 2017 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) được giao kế hoạch thực hiện 4 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và 8 đề án khuyến công địa phương, kinh phí hỗ trợ trên 800 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, trung tâm đã triển khai các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển sản xuất. Đến nay, chương trình khuyến công đã được triển khai tương đối đều khắp các huyện, thành phố số lượng đề án tăng với nhiều hoạt động phong phú. Nội dung của các đề án phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của đối tượng thụ hưởng, kết quả phù hợp với mục tiêu đã đề ra và hoàn thành theo đúng thời gian dự kiến, có tác động tốt trong việc thúc đẩy phát triển CNNT.
Tuy nhiên, do số lượng cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh ít, đa số hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh, số lượng lao động dưới 10 người. Do đó, để tìm được những cơ sở phù hợp với ngành nghề, điều kiện hưởng hỗ trợ kinh phí khuyến công rất ít. Cùng đó, Tuyên Quang chưa có cán bộ chuyên trách về công tác khuyến công tại phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; chưa có mạng lưới khuyến công viên đến xã nên trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn các đề án phù hợp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế những năm qua, khuyến công Tuyên Quang chưa triển khai được nhiều đề án phù hợp với tiêu chí để đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia (các đề án đào tạo nghề trên 100 lao động; đề án ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất có giá trị trên 150 triệu đồng; đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật có vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, là sản phẩm mới, công nghệ mới có ý nghĩa vùng, miền...). Nhiều nội dung hoạt động khuyến công chưa được các cơ sở CNNT hưởng ứng như: Tham gia Hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... bởi hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ, chưa thực sự có nhu cầu.
Để cải thiện chất lượng hoạt động khuyến công, trong những năm tới Tuyên Quang định hướng tập trung triển khai thực hiện các đề án điểm có quy mô lớn, gồm nhiều đề án, lồng ghép nguồn kinh phí để thực hiện nội dung trong nhiều năm trên cùng một địa bàn. Trong đó ưu tiên các đề án đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu, cụm, điểm công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất nằm trong quy hoạch làng nghề; trình diễn mô hình kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất sản phẩm mới mà địa phương có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ và lao động; hỗ trợ những sản phẩm hiện đang có thị trường; hỗ trợ ứng dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Theo đó, với vai trò là đơn vị trực tiếp triển khai chương trình, trung tâm sẽ tiến hành rà soát, nắm chắc nhu cầu của các cơ sở theo tiến độ sản xuất, kinh doanh để tư vấn, hướng dẫn lập đề án trọng tâm, trọng điểm; huy động và lồng ghép các nguồn vốn để có thêm kinh phí thực hiện.
Để có thể thuận lợi triển khai định hướng trên, đại diện Sở Công Thương Tuyên Quang cũng đề nghị: Kinh phí khuyến công hỗ trợ nội dung ứng dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất yêu cầu tính hiện đại của thiết bị tại địa bàn cấp huyện và duy nhất nên đối tượng được hỗ trợ nội dung này rất hạn chế. Do đó, cần mở rộng yêu cầu về tính hiện đại của thiết bị áp dụng tại cấp doanh nghiệp nhằm mở rộng hơn nữa đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng chuỗi dự án, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang sẽ bám sát và khảo sát nhu cầu của các cơ sở nhằm xây dựng đề án lớn, đồng thời huy động thêm nguồn lực cho triển khai. |