Không thể xác minh vì không còn chứng cứ
Công ty An Thạnh xuất trình được toàn bộ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật |
Công ty không lưu lại mẫu thức ăn bị nhiễm sán vì….thiếu kinh nghiệm
Tại buổi làm việc, công ty TNHH An Thạnh đã thông tin sơ bộ lại vụ việc xảy ra ngày 13/6 vừa qua và xuất trình các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng cá cam sử dụng chế biến phục vụ bữa cơm ca 1 cho công nhân công ty Việt Hoa, cùng giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Ông Châu Quang Anh – Giám đốc Công ty An Thạnh cho biết, tất cả các loại cá công ty này sử dụng đều nhập từ cảng Thọ Quang (Đà Nẵng), ngoại trừ cá cam. “Cá cam được công ty nhập nguyên con từ Hàn Quốc, thông qua một đơn vị nhập khẩu ở Hải Phòng. Vì đã được cấp đông, nhập khẩu, nên kiểm soát được vấn đề kiểm dịch”.
Khi được hỏi về lô hàng cá cam đã nhập về còn hay không, ông Châu Quang Anh cho biết hiện lô hàng này đã được sử dụng hết.
Về mẫu thức ăn (bún cá cam), đơn vị này cho hay “Bên công ty Việt Hoa có lưu, nhưng sau 24h thức ăn bị ôi thiu nên đã đổ bỏ hết, còn công ty An Thạnh không lưu”.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tứ - Phó Trưởng ban Quản lý ATTP TP. Đà Nẵng cho rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người lao động. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường phải có công tác kiểm tra, kiểm soát đánh giá để đưa ra kết luận, phải lưu mẫu để đưa mẫu đi kiểm nghiệm, tạm ngừng cung cấp suất ăn. “Vấn đề ở đây là công ty thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống”, và “do công ty không lưu mẫu, tất cả các chứng cứ không còn nên chưa thể khẳng định ký sinh trùng trong bún có phải là sán hay không”, ông Tứ nói.
Khi được hỏi về việc công ty An Thạnh đã có 13 năm hoạt động, có nơi bảo quản sản phẩm nhưng lại không lưu mẫu thức ăn, ông Tứ cho rằng do “công ty thiếu kinh nghiệm”, và công ty này đã làm đúng quy định bảo quản mẫu thức ăn trong 24 giờ.
Công ty An Thạnh cho hay, đơn vị này thường xuyên làm kiểm tra mẫu thực phẩm theo quy định |
Không thể kiểm định thông tin "bún cá cam có sán"
Ông Tứ cho biết, qua báo chí Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng mới biết xảy ra vụ việc trên nên mới đến xác minh (vụ việc xảy ra ngày 13/6 đến nay 18/6 mới tiến hành xác minh). “Trong quá trình sản xuất công ty đã thực hiện đúng quy định việc lưu mẫu (trong 24 giờ). Về phản ánh tô bún cá cam có sán đây mới chỉ là nghi ngờ thôi. Việc có hay không phải lấy mẫu xét nghiệm. Còn qua cảm quan của người công nhân thì không thể xác định được, người ta cứ tưởng như vậy thôi”, ông Tứ nói và cho hay, Ban quản lý ATTP đã kiểm tra việc tuân thủ chế biến lưu mẫu cơ bản công ty đáp ứng được yêu cầu.
“Công ty còn thiếu kinh nghiệm trong đánh giá, đưa ra thông tin (văn bản phát đi) thiếu cơ sở khoa học, không có bằng chứng cụ thể. Số thực phẩm không còn lưu nữa nên Ban Quản lý không thể lấy mẫu kiểm định thông tin có chính xác hay không”.
Ban Quản lý ATTP thành phố đã yêu cầu công ty khi nhập nguyên liệu cá cam về chế biến phải yêu cầu nhà cung cấp bên Hàn Quốc thực hiện kiểm nghiệm, khi lô hàng về, công ty cũng cần tiến hành lấy mẫu kiểm tra, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp quản lý.
Khi được phóng viên hỏi “sán là một ký sinh trùng có thể nhìn được bằng mắt, nhưng ông lại cho rằng công nhân không thể phân biệt được ký sinh trùng, và khi xảy ra sự việc, công nhân đã báo cho đơn vị, nhưng công ty An Thạnh không lưu mẫu ngay lúc đó mà để cho thức ăn ôi thiu và bỏ đi, liệu lời giải thích đó có phù hợp hay không?”, thì ông Tứ lại tiếp tục cho rằng “Công ty thiếu kinh nghiệm” và theo luật định chỉ lưu mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ, trong điều kiện bảo quản, cũng như khẳng định công ty này “đã thực hiện tốt việc lưu mẫu theo luật”, “Khi nghi ngờ có ký sinh trùng thì công ty có lưu mẫu, nhưng lưu mẫu trong điều kiện bảo quản chỉ để được 24 giờ đã ô thiu, do công ty không có kho đông, không có kinh nghiệm”.
Ông Nguyễn Tứ cũng cho rằng, do vụ việc không xảy ra hậu quả nên chỉ kiểm tra quy trình sản xuất, nguồn gốc thực phẩm. Nếu xảy ra ngộ độc mới xem xét xử lý ở góc độ ngộ độc thực phẩm.
“Mẫu cá nghi ngờ đã nấu chín, giả sử đúng là ký sinh trùng thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì khi thức ăn đã nấu chín ở 100 độ C thì toàn bộ ký sinh trùng đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, về mặt quản lý ATTP thì không cho phép tồn tại ký sinh trùng. Về vụ việc này, tôi nghĩ nó không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe khi thực phẩm đã nấu chín”, ông Tứ khẳng định.
Công ty An Thạnh cung cấp hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp |
Được biết, mỗi ngày Công ty TNHH An Thạnh cung cấp khoảng 3.000 suất ăn cho công nhân tại Công ty TNHH Việt Hoa. Ngoài ra, đơn vị này còn cung cấp cho nhiều công ty, nhà máy trên địa bàn TP. Đà Nẵng và một số đơn vị thuộc Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Chia sẻ với báo chí, ông Châu Quang Anh – Giám đốc Công ty An Thạnh nói: “Đây là một bài học cho công ty An Thạnh và kinh nghiệm cho các đơn vị cung cấp suất ăn khác. Về phía công ty Việt Hoa không phàn nàn, vì mình hợp tác với họ lâu dài. Nhưng Công ty An Thạnh chủ động thông tin để công nhân, người lao động và các khách hàng khác yên tâm sử dụng thực phẩm”.