Khởi nghiệp với sản phẩm chả ống tre độc đáo, chàng trai thu về tiền tỷ mỗi năm
Gian nan khởi nghiệp
Từng làm kế toán trưởng với mức lương ổn định tại Công ty khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai Lào, nhưng anh Trương Thanh Hiên (38 tuổi, trú tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) luôn ấp ủ giấc mơ kinh doanh làm giàu.
Năm 2015, anh Hiên mạo hiểm mở nhà hàng tại Lào. Dồn hết vốn liếng và tâm huyết vào dự án, nhưng thua lỗ. Thất bại, anh trở về Đà Nẵng chỉ với vỏn vẹn vài trăm nghìn trong túi.
Tay ngang khởi nghiệp, anh Trương Thanh Hiên thành công giới thiệu sản phẩm chả ống tre ra thị trường |
Không từ bỏ, anh chuyển sang kinh doanh trang thương mại điện tử về dược phẩm đông y. Tuy nhiên, do không đủ tiền để duy trì và vận hành, anh Hiên lại tiếp tục thất bại. Sau đó, nhận thấy tiềm năng trong việc kinh doanh gỗ, anh quyết định thử sức một lần nữa. Lần này, gỗ đem lại thu nhập, nhưng được một thời gian, anh thấy nghề không có ý nghĩa với bản thân nên quyết định từ bỏ.
Thất bại nối tiếp, thế nhưng ý chí kinh doanh của anh Hiên vẫn không bị đốn ngã. Quyết tâm tìm nghề ý nghĩa, anh quyết định tìm cách để tăng giá trị cho con tôm, đổi vận cho ngư dân quê nhà. Từ đó, ý tưởng làm chả tôm lóe lên như chiếc chìa khóa cởi bỏ những nỗi đau đáu bấy lâu trong đầu anh.
Anh Hiên chia sẻ: “Loay hoay tìm cách để tăng giá trị cho tôm quê Thanh Bình. Nhận thấy Đà Nẵng nổi tiếng chả bò, Quảng Nam nổi tiếng bê thui, thế là tôi quyết định làm chả ống tre, từ chả bò ống tre, chả bê ống tre, tôm chua ống tre, rồi đến chả tôm ống tre”.
Cứ thế, anh Hiên bắt đầu thực hiện hóa ý tưởng của mình. Vì không có đủ tiền để khởi nghiệp, vợ chồng anh phải đi vay mượn bạn bè và Hội phụ nữ quận Cẩm Lệ. Tổng số tiền gom góp được khoảng 400 triệu đồng. Bước đầu khởi nghiệp, anh bán chả bò ống tre và chả bê ống tre. Nhờ vào số tiền thu được, anh đầu tư vào việc nghiên cứu và thử nghiệm công thức làm chả tôm.
Anh Hiên chia sẻ, quá trình tìm công thức làm chả tôm đạt chuẩn xuất khẩu là một hành trình gian nan. Ngay từ khi bắt đầu sản xuất, anh đã gặp phải thách thức lớn. Con tôm sau khi xay không nhuyễn dính như thịt heo hay bò, mà lại tách rời. Số lần thất bại và chi phí đầu tư cho thí nghiệm nhiều đến nỗi không thể nhớ, bất lực, đôi lúc anh lại có suy nghĩ từ bỏ.
Tuy nhiên, đúng như câu nói anh luôn tâm đắc “May mắn sẽ mỉm cười với ai biết cố gắng”. Trong một lần thí nghiệm, anh thử bỏ bột xúc xích vào thì sản phẩm đã kết dính thành công.
Nhưng để sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chí xuất khẩu ra thị trường khắc khe nước ngoài đặc biệt là Mỹ, anh Hiên một lần nữa phải đi tìm công thức kết dính mới. Vì, sản phẩm họ yêu cầu là chả thuần tôm không được chứa thành phần thịt. Sau khoảng thời gian mày mò thử nghiệm, anh đã thành công sử dụng mực để thay thế. Từ đó, món chả tôm ống tre mang hương vị truyền thống, đảm bảo sức khỏe trở thành thương hiệu được người người nhà nhà tin dùng.
Sau 4 năm khởi nghiệp, hiện nay chả ống tre Cocimo của anh Hiên có hơn 20 cửa hàng có biển hiệu chuyên bán sản phẩm Cocimo và hơn 100 đại lý không biển hiệu bán online. Ngoài ra, dự án còn thu hút sự quan tâm đầu tư từ các đối tác nước ngoài, bao gồm quỹ đầu tư Singapore.
Sản phẩm ống tre được làm thủ công từ nguyên liệu xanh thân thiện môi trường (Ảnh:NVCC) |
Phát triển chả thủ công từ nguyên liệu xanh
Chả ống tre ra đời với mục tiêu phát triển thủ công từ nguyên liệu xanh. Không chỉ đi tìm giá trị cho con tôm quê mình, anh Hiên còn phải đau đầu giải bài toán tìm cách tăng giá trị cho cây tre, nét văn hóa ẩm thực Việt Nam từ ngàn đời.
"Hình ảnh cây tre là gắn liền với hình ảnh người Việt, thân thiện môi trường, kết hợp được vào sản phẩm sẽ nâng giá trị sản phẩm, đồng thời tăng tính cạnh tranh khi ra thị trường quốc tế", anh Hiên tâm sự.
Để ống tre không bị ẩm mốc và đựng chả không bị úng, anh lựa chọn các sản phẩm tre đẹp từ Tây Nguyên. Những ống tre luôn đảm bảo tiêu chí vỏ mỏng, lóng cây dài vừa phải tầm hơn gang tay, tròn đều. Khi về xưởng, tre sẽ được luộc ở nước sôi 100 độ C hoặc lò hơi nhiệt 120 độ C và phơi ráo nước. Sau đó, nhồi chả vào trong ống tre, luộc hơn 1 giờ đồng hồ. Cuối cùng, mang sản phẩm ra để nguội và mang đi cấp đông.
Các đòn chả ống tre được bọc giấy bạc ở miệng ống và cột chặt bằng dây thừng làm từ xơ dừa. Giá một ký chả giao động từ 200 - 350 nghìn đồng tùy loại. Mỗi năm, cơ sở chả ống tre của anh mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng.
Cầm trên tay những đòn chả thành phẩm, anh Hiên cho biết: “Chả ống tre có mẫu mã đẹp, phù hợp để biếu tặng. Bên cạnh đó, việc sử dụng tre vừa giúp cho việc vận chuyển không bị bầm xẹp, vừa làm chả bên trong có vị ngọt thanh và mùi hương tự nhiên. Ngoài ra, trong ống tre có nhiều dưỡng chất, làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng của chả.”.
Chả ống tre Cocimo là cái tên được dịch từ câu nói đặc trưng của người Quảng “có chi mô”. Đây cũng là cách anh Hiên tự an ủi chính mình khi gặp khó khăn, buồn phiền “Không có việc gì khó, tất cả rồi sẽ qua!”.
Không dừng lại thị trường trong nước, anh Hiên hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm chả ống tre mở rộng ở thị trường nước ngoài. Qua đó, anh mong muốn quảng bá sản phẩm này như một đặc sản mới, phát triển từ "nghề chả giò truyền thống Việt Nam".
Theo anh Hiên, thời gian tới, anh sẽ phát triển mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và các thành phố du lịch khác. Đồng thời, anh tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam để tìm kiếm cơ hội phát triển và thu hút nhà đầu tư để mở rộng nhà xưởng, kênh bán hàng. Hiện, dự án của anh đã được vé vàng vào thẳng vòng ghi hình Shark Tank Việt Nam mùa 7 vào tháng 9 tới.