Khơi dậy tiềm năng tuyến đường Hồ Chí Minh
Khai thác khoáng sản là trọng tâm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh |
Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp
Trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương soạn thảo, phát triển công nghiệp ở tuyến này phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khá, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 14,5% - 15,5%/năm và giai đoạn 2021-2015 khoảng 14-15%/năm.
Dự thảo xác định: Đối với công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, không chỉ tập trung vào khai thác mỏ, điểm mỏ hiện có mà tiếp tục dự án khai thác và chế biến sâu một số loại khoáng sản như: Sắt, đá, vôi xi măng, cát thủy tinh. Đầu tư một số dự án gang thép, luyện chì kim loại và alumin; phát triển sản xuất phương tiện vận tải đường thủy; sản xuất máy móc phục vụ sản xuất và chế biến nông, lâm sản. Trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản ưu tiên chế biến sâu sản phẩm giá trị kinh tế cao: Chè, cao su, cà phê, gạo, điều và sản phẩm nông sản đặc trưng của từng khu vực dọc tuyến. Ngoài ra, đầu tư mới một số dự án chế biến gắn với vùng nguyên liệu và phát triển mạnh chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Lĩnh vực công nghiệp hóa chất hướng tập trung triển khai một số dự án sản xuất cao su thành phẩm, phân vi sinh, nhiên liệu sinh học; phát triển dự án sản xuất nhựa gia dụng và mở rộng nâng công suất phân xưởng của Nhà máy đạm Cà Mau.
Bên cạnh phát triển ngành công nghiệp tập trung vào lĩnh vực có lợi thế, Bộ Công Thương cũng xác định dọc tuyến đường sẽ phát triển một số dự án quy mô lớn tại các khu công nghiệp đã thành lập để hình thành mối liên kết trong sản xuất theo mô hình công ty vệ tinh, kết hợp với kêu gọi đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị tăng thêm của ngành và gắn sản xuất với vùng nguyên liệu.
Tạo cơ chế thuận lợi thu hút đầu tư
Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với điểm đầu là tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài 3.183km. 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp dọc tuyến đường đã được Bộ Công Thương đưa ra tại dự thảo. Trong đó, lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản có 15 dự án; cơ khí, luyện kim và hóa chất 22 dự án; sản xuất vật liệu xây dựng 9 dự án; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm là 21 dự án và công nghiệp dệt may,da giày gồm 15 dự án.
Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ Công Thương, một số giải pháp cụ thể cần triển khai: Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư dự án quy mô lớn. Về lâu dài, khai thác hiệu quả hoạt động khuyến công nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác đầu tư cũng cần đổi mới, tạo môi trường bình đẳng để thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế; triển khai ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất. UBND các tỉnh, thành phố dọc tuyến đường Hồ Chí Minh cần chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư; khẩn trương triển khai xây dựng công trình hạ tầng, đặc biệt hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, giao thông… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, phối hợp xây dựng chương trình về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hòa giữa các địa phương dọc tuyến.
Quy hoạch phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh là công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý, điều hành đối với hoạt động sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. |