Huyện Bắc Yên – Sơn La: nguồn vốn từ Chương trình 1719 giúp đổi thay đời sống người dân
Tại huyện vùng cao Bắc Yên, từ năm 2022 đến nay, được giao trên 280 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719). Huyện đã hỗ trợ xóa 36 nhà tạm; hỗ trợ 156 bồn, téc chứa nước sinh hoạt, nông cụ phục vụ sản xuất cho hơn 300 hộ; xây dựng 3 khu tái định cư cho các hộ có nguy cơ sạt lở của các xã Pắc Ngà, Tạ Khoa, Chiềng Sại; hoàn thành đưa vào sử dụng khu dân cư Pưa Lương, bản Tà Đò, xã Tạ Khoa, đón 24 hộ dân đến ở.
Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, cho biết: Việc triển khai hiệu quả Chương trình 1719, giúp cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa, đổ bê tông; 73,1% số xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trung bình mỗi năm giảm 4% số hộ nghèo.
100% số xã của huyện Bắc Yên có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa, đổ bê tông từ việc triển khai hiệu quả Chương trình 1719. (Ảnh: ST) |
Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 1719, Bắc Yên đã triển khai hỗ trợ 36 hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 30 hộ; đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã; hỗ trợ bồn chứa nước cho 39 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Huyện đang triển khai 3 dự án bố trí sắp xếp dân cư, tổng số hộ dự kiến đến hết năm 2023 là 24 hộ, hết năm 2024 là 104 hộ.
Đồng thời, chính quyền huyện Bắc Yên hỗ trợ nhân dân triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp như cải tạo, thâm canh lúa theo hướng hữu cơ; trồng khoai sọ, dứa Queen, phát triển vùng nguyên liệu chè Shan tuyết… Mở 2 lớp xóa mù chữ cho 46 học viên; 10 lớp đào tạo nghề cho 350 người lao động.
Đến nay, tất cả các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 đã được các địa phương trên toàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ, và đạt được những kết quả tích cực.
Cơ chế quản lý, điều hành, phân công, phối hợp trong tổ chức thực hiện từng bước hình thành và đi vào nề nếp. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản được ban hành đầy đủ, kịp thời. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình được thực hiện thường xuyên.
Qua đó, kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.