Hưng Yên: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thế mạnh
Nhãn lồng là một trong những sản phẩm thế mạnh của Hưng Yên |
Mục đích của hội nghị là đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời hưởng ứng có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế giữa tỉnh Hưng Yên và các tỉnh, thành phố, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung, cầu sản phẩm.
Sự kiện cũng nhằm thiết lập chuỗi liên kết chặt chẽ, ổn định giữa vùng sản xuất của tỉnh và thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, quảng bá các hàng hóa có thế mạnh và các sản phẩm an toàn của tỉnh đến với người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm bên lề hội nghị, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia quảng bá, cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa tới đối tác và trao đổi giao thương, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các địa phương, phát triển hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng hàng hóa của nhân dân các tỉnh, thành phố. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với các cơ quan của Trung ương, các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Hội nghị kết nối cung – cầu có các hoạt động chính như: Các địa phương trưng bày, giới thiệu quy trình sản xuất sản phẩm; ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm… Sẽ có khoảng 100 bàn trưng bày sản thế mạnh của tỉnh Hưng Yên và 50 bàn trưng bày các sản phẩm thế mạnh của các tỉnh bạn. Các sản phẩm tham gia trưng bày, kết nối là những sản phẩm có lợi thế, đặc sản cần kết nối, tiêu thụ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, sản phẩm có thông tin rõ nguồn gốc, trưng bày đẹp mắt, tập trung các sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh, thành phố, đối với sản phẩm nông sản ưu tiên sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), kết nối cung cầu là một trong những hoạt động trọng tâm của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu, người sản xuất và DN, người tiêu thụ gặp được nhau, hiểu rõ nhu cầu tiêu thụ, hướng đến sản xuất theo nhu cầu chứ không sản xuất tự phát. Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ để thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020, trong đó chú trọng thực hiện các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm có quy mô lớn, chiều sâu thay vì các chương trình nhỏ lẻ như những năm trước đây.