Hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN trong thời đại mới
Thúc đẩy phát triển chất lượng cao
Theo tạp chí Thế giới đương đại của Trung Quốc, hiện nay, nền kinh tế thế giới đang ngày càng phân mảnh, toàn cầu hóa kinh tế đang gặp phải nhiều trở ngại và đối mặt với thử thách lớn là phải lội ngược dòng hoặc tụt hậu.
Như vậy, Trung Quốc cần làm rõ các yếu tố then chốt tác động đến sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN; thúc đẩy chuyển đổi các phương thức hợp tác kinh tế thương mại song phương truyền thống; hoàn thiện và đổi mới cơ chế hợp tác kinh tế thương mại; thiết lập khuôn khổ thể chế và hệ thống chính sách khoa học, hợp lý và hiệu quả.
Ngoài ra, đẩy nhanh việc bồi dưỡng những lợi thế mới trong tham gia hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế; tích cực tham gia việc định hình lại hệ thống phân công lao động quốc tế; nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro trong hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN; đóng góp thêm vào việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung Trung Quốc-ASEAN gắn kết hơn.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc-ASEAN đạt 885 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Pixabay |
Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN từ tăng về lượng sang nâng cao về chất. Trong một thời gian dài, hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN chủ yếu dựa trên sự gia tăng về số lượng. Sau khi khu vực thương mại tự do song phương được thành lập, do cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, quy mô và lĩnh vực của thương mại song phương, đầu tư lẫn nhau và hợp tác kinh tế/công nghệ giữa Trung Quốc và ASEAN tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu.
Trong tình hình quốc tế và khu vực mới, cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, từ việc đơn thuần tăng về số lượng sang nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đổi mới thể chế, đổi mới mô hình hành nghề trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của hợp tác kinh tế thương mại khu vực.
Bên cạnh đó, trong hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN cần chú trọng hơn đến các vấn đề như nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu, ổn định và đổi mới chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, chú trọng hơn đến việc phối hợp đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thống và mới nổi, chú trọng hơn đến việc bản địa hóa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, đẩy nhanh kết nối khu vực Trung Quốc-ASEAN và hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi. Ngoài những tuyên bố chung giữa Trung Quốc-ASEAN, hai bên cũng cần tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới đường bộ, đường biển và đường hàng không khu vực, thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan, tuyến đường sắt bờ biển phía Đông Malaysia và đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ-đường biển phía Tây mới.
Tuyến đường bộ-đường biển phía Tây mới hiện đã đi qua Lào, Thái Lan và Malaysia, cần từng bước thúc đẩy việc tích hợp đường sắt Trung Quốc-Việt Nam và mở rộng sang các nước khác để giảm chi phí logistic. Mặt khác, Trung Quốc và các nước ASEAN đang ở các giai đoạn phát triển công nghiệp hóa khác nhau và hợp tác công nghiệp giữa hai bên có tính bổ trợ cao.
Trên cơ sở hợp tác hiện có, Trung Quốc cũng cần tham gia chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, mở rộng hợp tác cùng có lợi trong các ngành công nghiệp mới nổi. Từng bước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như dệt may, vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, gia công và chế tạo, tích cực tham gia hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như cơ sở hạ tầng số, sản xuất thông minh, năng lượng mới, vật liệu mới, y sinh học…,
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN chuyển đổi số; khuyến khích các doanh nghiệp như ô tô năng lượng mới, pin lithium và quang điện đầu tư và thành lập nhà máy tại các nước ASEAN, khai thác thị trường năng lượng tái tạo, gây dựng thương hiệu Trung Quốc và tạo hiệu ứng cụm công nghiệp khu vực; khuyến khích và hỗ trợ các dự án sinh kế ở các nước ASEAN để tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân địa phương.
Bản địa hóa doanh nghiệp đầu tư
Thứ ba, tiếp tục ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng khu vực. Nền tảng của hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN là hệ thống phân công công nghiệp khu vực do các tập đoàn đa quốc gia làm chủ đạo và chủ yếu dựa trên thương mại các sản phẩm trung gian.
Hợp tác kinh tế thương mại đã trở thành nền tảng của quan hệ song phương Trung Quốc-ASEAN. Ảnh: Pixabay |
Các nước phương Tây đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tái thiết chuỗi giá trị toàn cầu cũng tác động đáng kể đến nền tảng hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN. Khi chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái cấu trúc với tốc độ nhanh hơn, một mặt, cần tận dụng hiệu quả kết nối chuỗi cung ứng của phiên bản nâng cấp Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 và các quy tắc cộng gộp xuất xứ của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để ổn định các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng khu vực hiện có.
Đồng thời, dựa vào các khu hợp tác kinh tế thương mại với nước ngoài và các khu công nghiệp hiện có, từng bước xây dựng một cách có kế hoạch chuỗi giá trị khu vực do doanh nghiệp Trung Quốc chi phối tại khu vực Trung Quốc-ASEAN.
Thứ tư, mở rộng và tăng cường mở cửa thể chế khu vực, coi phiên bản nâng cấp của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và việc thực hiện RCEP là cơ hội để so sánh với các quy tắc kinh tế thương mại tiêu chuẩn cao của quốc tế, từ đó thực hiện kết nối và tương thích của các quy tắc, quy định, quản lý và tiêu chuẩn trong khu vực; từng bước thực hiện mở cửa tự chủ và mở cửa đơn phương hướng tới các nước ASEAN, xây dựng các chính sách mở cửa đơn phương trong nông nghiệp, sản xuất, nghề cá biển, du lịch, kinh tế số, ô tô năng lượng mới, ngành công nghiệp quang điện, tài chính, du lịch…, bắt đầu từ dễ đến khó; từng bước thúc đẩy, xây dựng kênh và nền tảng rộng lớn để mở cửa đơn phương với ASEAN, tạo môi trường kinh doanh quốc tế hóa, pháp trị hóa và thị trường hóa khu vực; từng bước giảm các rào cản phi thuế quan khu vực và tiến hành giao lưu và hợp tác “một cửa” với các nước ASEAN, triển khai thí điểm hợp tác “hải quan thông minh, biên giới thông minh, kết nối thông minh” để nâng cao hơn nữa mức độ thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình bản địa hóa các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Bản địa hóa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bao gồm bản địa hóa năng lực cạnh tranh cốt lõi, bản địa hóa quản lý, bản địa hóa việc sử dụng lao động, bản địa hóa lợi ích… Mặc dù các công ty Trung Quốc tại ASEAN đã đạt được một số tiến triển trong việc bản địa hóa nhưng vẫn còn chặng đường dài phía trước.
Trung Quốc cần nghiên cứu kỹ lưỡng về sự thay đổi của nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu, tăng cường phân tích tính khả thi của đầu tư vào ASEAN và tăng cường an ninh cho các công nghệ công nghiệp cốt lõi và then chốt; các dự án đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc ở ASEAN cần chú ý đến thực tế là một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện các quy tắc thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; nâng cao chất lượng sản phẩm và thiết lập nhận thức về thương hiệu để tăng cường khả năng cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp; kiên trì các hoạt động kinh doanh hợp pháp để tránh cạnh tranh hỗn loạn giữa các doanh nghiệp vốn Trung Quốc…
Trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đang được đẩy nhanh, việc phát triển chất lượng cao hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới. Theo đó, việc tái cấu trúc nhanh chóng chuỗi giá trị toàn cầu có thể làm suy yếu nền tảng hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN. Do sự phân công lao động công nghiệp quốc tế ngày càng sâu sắc, chuỗi giá trị toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia phương Tây thống trị đã nhanh chóng hình thành và phát triển. Hiện nay, chuỗi giá trị toàn cầu được tạo dựng từ 3 khối khu vực chính là Bắc Mỹ, EU và Đông Á, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Đức và Nhật Bản là 4 trung tâm sản xuất lớn và ASEAN cũng đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN, dựa trên chuỗi giá trị toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia chi phối, thương mại song phương bắt nguồn từ thương mại các sản phẩm trung gian (chiếm hơn 60% thương mại song phương), trong khi thương mại các sản phẩm trung gian chủ yếu đến từ thương mại chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. |