Tổng thống Donald Trump ký lệnh thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước
Tổng thống Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy sản xuất thuốc theo toa trong nước, trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị áp thuế lên dược phẩm nhập khẩu. Lệnh này yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) rút ngắn thời gian phê duyệt nhà máy, loại bỏ thủ tục không cần thiết và hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu.
![]() |
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA (nguồn TVBuy) |
Đồng thời, sắc lệnh cho phép FDA tăng cường thanh tra, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nước ngoài, với nhiều cuộc kiểm tra không báo trước nhằm siết chặt tiêu chuẩn chất lượng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cũng được chỉ đạo đẩy nhanh quy trình cấp phép xây dựng nhà máy dược.
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, việc nội địa hóa sản xuất là cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định và an ninh y tế quốc gia. Một số tập đoàn lớn như Johnson & Johnson, Eli Lilly đã bắt đầu mở rộng sản xuất tại Hoa Kỳ. Dự kiến trong vòng hai tuần tới, chính quyền sẽ công bố mức thuế cụ thể đối với thuốc nhập khẩu.
Dù nhiều chuyên gia dự báo, chi phí có thể tăng, Nhà Trắng khẳng định đây là bước đi chiến lược để xây dựng một chuỗi cung ứng y tế vững mạnh, chủ động và lâu dài.
Nhiều tập đoàn Nhật Bản vẫn hút đầu tư nhờ chính sách linh hoạt
Giữa bối cảnh chính sách thuế quan toàn cầu biến động, các tập đoàn thương mại hàng đầu Nhật Bản vẫn chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư nhờ chiến lược tài chính nhất quán và cam kết lợi ích đối với cổ đông. Tỷ phú Warren Buffet - Chủ tịch kiêm Giám đốc hãng Berkshire Hathaway được cho là đứng đằng sau hậu thuẫn các tập đoàn này.
Nhóm 5 tập đoàn thương mại đa ngành lớn gồm Mitsubishi, Sumitomo, Itochu, Marubeni và Mitsui đang duy trì đà tăng trưởng ổn định. Nổi bật, Mitsubishi tiếp tục triển khai chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 1.000 tỷ yên và dự kiến nâng cổ tức trong năm nay. Itochu đặt mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục 900 tỷ yên, song song với kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 150 tỷ Yên.
Không nằm ngoài xu hướng, Sumitomo và Marubeni cũng dành hàng chục tỷ yên để mua cổ phiếu quỹ, đồng thời thiết lập quỹ dự phòng nhằm ứng phó linh hoạt với các biến động từ chính sách thương mại quốc tế.
Việc Berkshire Hathaway nâng tỷ lệ sở hữu tại 5 tập đoàn này lên hơn 10% là tín hiệu tích cực cho niềm tin dài hạn vào tiềm năng tăng trưởng và quản trị của doanh nghiệp Nhật.
Dù thương mại toàn cầu đang trải qua giai đoạn nhiều thử thách, các tập đoàn Nhật Bản vẫn cho thấy sự chủ động và linh hoạt, sẵn sàng chuyển mình để thích ứng với xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và duy trì sức cạnh tranh bền vững.