Thứ hai 23/12/2024 06:45

Hơn 300 doanh nghiệp tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng tại Trung Quốc

Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thâm Quyến với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp lớn đến từ Việt Nam và Trung Quốc.

Hơn 6,14 tỷ đô từ Trung Quốc đã đầu tư vào Hải Phòng

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ chương trình công tác tại Trung Quốc của lãnh đạo thành phố Hải Phòng do Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dẫn đầu.

Cùng dự có ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc và lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp của Trung Quốc và Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, đúng vào thời điểm hai nước tiến tới Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Nhiều năm qua, thành phố Hải Phòng đã kết nghĩa với các thành phố Thiên Tân, Nam Ninh, Côn Minh của Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị rất tốt đẹp. Thành phố Hải Phòng luôn coi trọng các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp đến từ thành phố Thâm Quyến. Đồng thời, xác định Trung Quốc là thị trường ưu tiên hàng đầu, trọng điểm và chiến lược trong quá trình hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư.

Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đến từ Việt Nam và Trung Quốc - Ảnh: Haiphong.gov.vn

Đến nay, thành phố Hải Phòng có 405 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt 6,14 tỷ USD (bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện, Hải Phòng có 2 Khu công nghiệp được đầu tư bởi nhà đầu tư Trung Quốc là Khu công nghiệp An Dương do Tập đoàn Thâm Quyến Holdings làm chủ đầu tư và Khu công nghiệp Đồ Sơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc hàng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng thông tin với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc về tiềm năng, thế mạnh vượt trội của Hải Phòng về giao thông, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, trong đó Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải là khu kinh tế thành công nhất Việt Nam. Hiện, Hải Phòng đang thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam với quy mô 20.000 ha theo hướng xanh, sinh thái, sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hải Phòng.

Chúc mừng thành phố Hải Phòng phối hợp với các đơn vị, tổ chức của Trung Quốc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn tại thành phố Thâm Quyến, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Quảng Châu nhấn mạnh: Việt Nam đã ký kết và tham gia 16 FTA, tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là doanh nghiệp đến từ tỉnh Quảng Đông. Tổng Lãnh sứ quán tin tưởng rằng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng tại Trung Quốc năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam, Hải Phòng và Trung Quốc, Thâm Quyến, Quảng Đông sẽ tìm được đối tác của mình để hợp tác kinh doanh, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Đông nói riêng, giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc nói chung.

Hải Phòng sẵn sàng tiếp đón “đại bàng” đến từ Trung Quốc

Cũng tại Hội nghị diễn ra Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của thành phố Hải Phòng cho 7 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư gần 200 triệu USD gồm: Công ty TNHH Flat Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ Ways Việt Nam; Công ty CFL Holdings Limited; Công ty TNHH Chế tạo máy Yuekai, Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới HMT Hải Phòng; Công ty Finework International; Công ty TNHH Autel Việt Nam. Cụ thể,

Dự án sản xuất kính năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Flat Việt Nam tại KCN DEEP C Hải Phòng với vốn đầu tư tăng thêm 50 triệu USD; Dự án sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao của Công ty TNHH Công nghệ Ways Việt Nam tại KCN DEEP C Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD; Dự án sản xuất sàn nhựa của Công ty CFL Holdings Limited tại KCN DEEP C Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Dự án sản xuất và gia công phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Chế tạo máy Yuekai tại KCN An Dương với vốn đầu tư tăng thêm 35 triệu USD.

Dự án sản xuất túi khí an toàn cho xe ô tô của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới HMT Hải Phòng tại KCN An Dương với vốn đầu tư tăng thêm 12 triệu USD; Dự án sản xuất cơ khí và thiết bị phụ tùng công nghiệp của Công ty Finework International tại KCN Nam Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Dự án sản xuất thiết bị chẩn đoán lỗi ô tô của Công ty TNHH Autel Việt Nam tại KCN An Dương với vốn đầu tư tăng thêm 58 triệu USD.

Đồng thời, lãnh đạo hai thành phố Hải Phòng và Thâm Quyến cũng chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp tại Hải Phòng; công bố thành lập Trung tâm Tư vấn bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Đầu tư Thâm Việt tại Hải Phòng.

Trao Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng - Ảnh: Haiphong.gov.vn

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã có cuộc gặp gỡ một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Tập đoàn ZTE, Tập đoàn TCL... Tại các chuyến thăm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã khẳng định ‘thành phố hoa phượng đỏ” đang là điểm đến đầu tư an toàn, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Với phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của thành phố Hải Phòng”.

Cùng với đó lãnh đạo thành phố Hải Phòng mong rằng các tập đoàn lớn của Thâm Quyến nói riêng và Trung Quốc nói chung sẽ sớm xúc tiến đầu tư tại Hải Phòng. Các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc cũng sẽ là cầu nối hợp tác hiệu quả giúp các doanh nghiệp của Thâm Quyến đầu tư tại Hải Phòng.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh: Để đạt được những thành tựu nổi bật trong thời gian qua, vai trò lãnh đạo của Thành ủy, chính quyền, cũng như sự nỗ lực của người dân Thâm Quyến là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định về dư địa thu hút đầu tư, ngoài Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và 14 Khu công nghiệp đang vận hành hiệu quả. Hải Phòng đang tích cực thành lập thêm 15 Khu công nghiệp để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư mới, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Thành phố mong muốn thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng trong các lĩnh vực mà thành phố Hải Phòng đang ưu tiên thu hút đầu tư như: sản phẩm điện tử và công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics, thương mại.

Đoàn công tác của thành phố thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn TCL - Ảnh: Haiphong.gov.vn

Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị với thành phố Thâm Quyến, thúc đẩy giao lưu giữa Thành ủy và các cơ quan Đảng hai địa phương, làm sâu sắc hợp tác trên các lĩnh vực như: công tác Đảng; công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa đường lối, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; quản lý báo chí, mạng xã hội; các mô hình trong công tác dân vận; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá cán bộ; tổ chức đại hội đảng các cấp.... Cùng với đó, Hải Phòng cũng đang đề nghị lãnh đạo thành phố Thâm Quyến sớm xúc tiến mở đường bay Hải Phòng-Thâm Quyến để rút ngắn khoảng cách cũng như tạo điều kiện thuân lợi giúp các doanh nghiệp đầu tư tại thành phố Cảng. Ngoài ra, Hải Phòng cũng mong muốn phía Thâm Quyến cũng quan tâm cấp học bổng cho sinh viên Hải Phòng tới học tập tại Thâm Quyến và tăng cường trao đổi, hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm cung cấp cho các khu công nghiệp của thành phố nơi có nhiều doanh nghiệp của Thâm Quyến và Trung Quốc đang đầu tư tại Hải Phòng.

Thái Bình
Bài viết cùng chủ đề: thị trường Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản