Trước thềm hội nghị quan trọng này, Báo Công Thương ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế “hiến kế” để doanh nghiệp “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ Chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến |
PGS, TS Trần Đình Thiên- Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ: Ba nhóm giải pháp cần làm ngay
PGS, TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ |
Trước hết, cần nhận diện đúng tình thế: Nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt, giữ ổn định, song thực lực khu vực nội địa còn yếu, doanh nghiệp Việt Nam còn rất khó khăn, khát vốn nghiêm trọng, chứa đựng nguy cơ nợ xấu tăng cao. do rủi ro.
Phải coi việc phục hồi doanh nghiệp là yếu tố quyết định cả sự ổn định kinh tế Việt Nam chứ không chỉ đối với tăng trưởng. Để phục hồi doanh nghiệp, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp.
Nhóm 1: Giúp giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp giảm thuế, phí đánh vào nguyên, nhiên vật liệu đầu vào nhập khẩu; nhanh chóng triển khai cho vay lãi suất thấp với những tiêu chuẩn và điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp. Việc giảm chi phí này vừa giúp doanh nghiệp phục hồi, vừa góp phần kiềm chế lạm phát.
Nhóm 2: Kích hoạt mạnh thị trường nội địa. Thị trường nội địa có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp FDI hướng ngoại mạnh hơn). Việc giải ngân các khoản chi của Chương trình phục hồi và phát triển quá chậm, chỉ mới được 6%. Việc thúc giải ngân đầu tư công cũng trong một tình thế như vậy. Nguy cơ lỡ thời cơ đang rất lớn với cách tiếp cận thị trường nội địa hiện nay.
Nhóm 3: Tăng cường bơm "máu" - vốn cho nền kinh tế, cho các dự án và doanh nghiệp "tốt". Tập trung giải tỏa tắc nghẽn vốn hiện đang rất nghiêm trọng đối với ngành bất động sản, là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Đây là động lực tăng trưởng rất mạnh cho nền kinh tế.
Thêm nữa, cần tích cực mở cửa hàng không - du lịch quốc tế. Hiện nay, ta đang "bịt cửa" visa - thị thực, lại vướng vấn đề hộ chiếu mới. Du lịch - Hàng không có sức lan tỏa phát triển mạnh, cần tích cực tháo gỡ.
Cần tính đến xu thế tăng lạm phát và lãi suất trên thế giới để chuẩn bị đối sách cho Việt Nam. Đây là yếu tố làm tăng chi phí vốn (đang rất cao với doanh nghiệp Việt Nam), sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi doanh nghiệp Việt Nam. Chính sách tài khóa cần sẵn sàng hỗ trợ Chính sách tiền tệ để giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm khó khăn này.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Tình hình thay đổi chính sách cũng cần thay đổi.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương |
Tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang diễn biến khó lường, bên cạnh xung đột Nga – Ukraine thì mới đây xuất hiện thêm căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, điều này sẽ đe dọa đến thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng nguyên, nhiên liệu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Công Thương nên cố gắng đẩy mạnh Chính phủ điện tử và kinh tế số vào hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao họ kết nối trực tiếp với doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu, qua đó trực tiếp nắm được nhu cầu của các thị trường này về hàng hoá xuất khẩu, yêu cầu của họ như thế nào, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xuất khẩu.
Tôi cũng không đồng ý với thông tin cho rằng các thị trường Nhật Bản hay châu Âu là khó tính, theo tôi không phải là khó tính mà đó là thị trường có tiêu chuẩn cao, chứ họ không hề tạo thêm điều kiện cho mình, mà tất cả các yêu cầu thị trường xuất khẩu là như nhau. Với những thị trường yêu cầu đó thì Bộ Công Thương cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nâng tầm của mình lên, nếu chúng ta kết nối bằng Chính phủ điện tử, kinh tế số thì sẽ giảm được chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém các chi phí không chính thức.
Đối với vấn đề đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột với Nga – Ukraine và mới đây là Trung Quốc và Mỹ, với điều kiện đó doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam đứng trước các thách thức đứt gãy nguồn cung ứng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu ngoài Trung Quốc, ví dụ như nguồn nguyên liệu dệt may tìm ngoài thị trường Trung Quốc như Ấn Độ, Băng-La-Đét, hay các thị trường khác ở Trung Đông…
Tình hình thay đổi thì các chính sách cũng cần thay đổi, còn nếu không thay đổi thì sẽ không giải quyết được trong bối cảnh hiện nay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh: Khắc phục ngay nghịch lý khi giá xăng giảm
Chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh - Nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Tôi thấy có một nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam là ngay sau xăng giảm 3.000 đồng, thì cước vận tải tăng. Điểm trớ trêu ở chỗ lúc giá xăng tăng thì các doanh nghiệp vận tải xin tăng, tuy nhiên, khi xăng giảm lại cũng là lúc các doanh nghiệp vận tải được tăng giá cước. Việc giá cả là việc của thị trường quyết định nhưng tôi thấy ở đây mang tính chất hành chính. Đáng lưu ý là Việt Nam khi tăng giá không có mặt hàng nào tăng 1-2-3% mà ít nhất phải tăng hàng chục %.
Muốn nền kinh tế hồi phục một cách đồng đều, vấn đề đặt ra là cần bớt can thiệp về việc quản lý hành chính trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giá cả. Như năm xưa, lúc giá lúa gạo đang rất cao thì Hiệp hội Lúa gạo không cho xuất khẩu, sang năm sau giá giảm rất sâu thì lại cho xuất. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Hiệp hội lại có thể quyết định về vấn đề tài chính?
Theo đó, vấn đề lớn hơn nữa ở đây vẫn là vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm, do đó, cần dẹp bỏ vấn nạn tham nhũng thì sẽ tốt cho tất cả mọi ngành chứ không riêng về bất động sản, thương mại hay công nghiệp… Như vừa rồi Bộ Tài chính, Cục thuế “đẻ” ra quy định phạt chậm nộp tiền thuế là rất nguy hiểm. Bây giờ chi phí của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều lần.
Còn vấn đề vốn, phải hướng dòng tiền đi vào lĩnh vực sản xuất để tạo ra hàng sản xuất và hàng lưu động, lúc đó thì mới gọi là nhà đầu tư. Ví dụ, lượng tiền bỏ ra 100 đồng, thì chưa đến 80 đồng là đi vào sản xuất thôi, đấy là theo số thống kê chính thức, phần còn lại là các chi phí khác, tuy nhiên, cái phần mà gọi là đi và sản xuất cũng chưa chắc là đi vào sản xuất.
Còn về xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam phải làm sao tăng thêm chất lượng. Nông lâm, thủy sản theo số liệu thống kê chiếm chưa đến 10% trong tổng xuất khẩu. Xuất khẩu cơ bản là máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại và các linh kiện khác. Hàm lượng giá trị gia tăng mà người Việt Nam được hưởng chỉ khoảng 14 %. Cho nên xuất khẩu của Việt Nam để mà có thể vui mừng thực sự thì Việt Nam phải có công nghiệp phụ trợ và phải có sản phẩm phụ trợ.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh: Bốn vấn đề lớn của doanh nghiệp chế biến chế tạo
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh |
Theo tôi, 4 vấn đề lớn của doanh nghiệp chế biến chế tạo là năng lực cạnh tranh hàng hóa, nhu cầu thị trường thấp và hạn chế nguồn lực tài chính, nguyên nhiên vật liệu.
Theo đó, giải pháp tập trung trong ngắn hạn là tăng năng lực cạnh tranh, chủ yếu là cạnh tranh về giá(yếu tố khác phải trung, dài hạn). Giảm giá hay ít nhất không tăng giá hỗ trợ khả năng tiêu thụ đi đôi với giảm chi phí vận tải, phân phối lưu thông kết hợp với tăng thu nhập có khả năng thanh toán cho người tiêu dùng sẽ cải thiện vấn đề thị trường tiêu thụ. Khó khăn về nguồn tài chính và nguyên nhiên vật liệu cần giải pháp bao gồm cả tăng khả năng tiếp cận lẫn giảm hay ít nhất không tăng giá, kể cả lãi suất tín dụng ngân hàng và các chi phí tài chính khác. Tóm lại, then chốt giúp doanh nghiệp phục hồi là giữ và giảm giá đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại…vừa giúp giải quyết vấn đề khả năng cạnh tranh bình đẳng, vừa lành mạnh hóa thị trường trong nước.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lương Hoài Nam: Đẩy nhanh hơn nữa đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, du lịch
Chuyên gia kinh tế, TS Lương Hoài Nam |
Tôi đang nhìn thấy sự phục hồi rất mạnh của hàng không, du lịch nội địa, làm cho tình trạng quá tải các sân bay đang trở nên xấu đi nhanh và có thể nghiêm trọng. Trong khi đó việc xã hội hoá đầu tư hạ tầng sân bay theo chủ trương của Chính phủ từ nhiệm kỳ trước đến nay vẫn rất ì ạch. Vừa rồi Nghệ An sốt ruột, đề nghị Thủ tướng giao UBND Nghệ An chủ trì đề án xã hội hoá đầu tư phát triển sân bay Vinh, tôi thấy đúng hướng nhưng cần triển khai thật nhanh.
Chính phủ cũng đã có chủ trương đầu tư khai thác các sân bay Biên Hoà (Đồng Nai), Thành Sơn (Ninh Thuận) theo mô hình lưỡng dụng, rất đúng hướng, nhưng công tác triển khai có vẻ chậm hơn ý Thủ tướng chỉ đạo.
Nếu thúc đẩy được việc xã hội hoá đầu tư, khai thác, phát triển hạ tầng sân bay được thì sẽ rất tốt cho phát triển hiện nay.
Ông Vi Quang Đạo, nguyên Tổng Biên tập Cổng thông tin Điện tử Chính phủ: Mạnh dạn chuyển vốn đầu tư công chậm giải ngân sang cho tư nhân vay đầu tư
Ông Vi Quang Đạo, nguyên Tổng Biên tập Cổng thông tin Điện tử Chính phủ |
Qua tham khảo một số doanh nghiệp, tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp như sau:
Nhóm giải pháp về vốn: (1) Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính sau đại dịch có biện pháp khoanh nợ, tái cấp vốn...(2) Ổn định thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán vì đây là kênh huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp...(3) Thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư châu Âu do hiện nay đồng Euro đang mất giá.
Nhóm giải pháp kích cầu: Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công mà không làm tăng lạm phát, cho những lĩnh vực, những nơi hấp thu được. Mạnh dạn chuyển vốn đầu tư công chậm giải ngân sang cho tư nhân vay đầu tư
Nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp: Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Nhà nước tài trợ xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá ở nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực du lịch... Hoàn thiện cơ chế một cửa tạo thông thoáng cho doanh nghiệp.