Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu triển khai đợt cao điểm kiểm tra về giá cả và cung cầu hàng hóa Chuyên gia Kinh tế hiến kế để "xăng giảm, giá hàng hoá cũng giảm theo" |
Dù giá xăng dầu thời gian qua đã “hạ nhiệt”, nhưng giá cả nhiều loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu vẫn chưa giảm. Để kiểm soát giá cả hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó đã giao Bộ Công Thương đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện đảm bảo cân đối cung - cầu. Trong bối cảnh đó, ngày 4/8 Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác giám sát quản lý thị trường. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Ông đánh giá như thế nào về biến động giá cả hàng hoá thời gian gần đây. Nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đã giảm sâu, nhưng giá nhiều loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống người dân vẫn rất cao?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước đã giảm khá sâu do giá xăng dầu thế giới giảm và Việt Nam tiến hành cắt giảm các loại phí, thuế cho xăng dầu, tuy nhiên, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, điển hình như giá giao thông vẫn cao.
Theo tôi, khi họ mua hàng đầu vào thì mua với giá cao, bây giờ họ phải bán hết số hàng đó với giá cao và nhập hàng mới về thì mới bán giá thấp được, còn nếu giảm ngay theo giá xăng dầu thì doanh nghiệp sẽ chịu thua lỗ.
Tất nhiên, về cái này thì tôi đồng ý doanh nghiệp họ cần có “độ trễ” trong điều chỉnh giá cả phù hợp với giảm giá xăng dầu thời gian vừa qua, tuy nhiên “độ trễ” này chỉ nên kéo dài từ 1-2 tuần, nhiều là 3 tuần, còn nếu kéo dài hơn nữa thì tôi thấy rất phi lý và phải được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý. Nhất là đối với các dịch vụ giao thông vận tải, theo tôi không có một đơn vị nào dự trữ xăng dầu đến 1-2 tháng cả.
Việc hàng hoá tiêu dùng thiết yếu không giảm sẽ tác động như thế nào đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, thưa ông?
Nếu như giá cả các loại hàng hoá không giảm thì sẽ tác động lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2022. Nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức, bên cạnh căng thẳng Nga-Ukraine thì sự xuất hiện của căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mới đây cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá những tháng cuối năm tăng cao, để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta lại phải tìm mọi cách để thiết lập một mặt bằng giá mới, để phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, các mặt hàng quốc tế sản xuất sẽ giảm ngay sau khi giá xăng giảm, vì nếu không sẽ không thể cạnh tranh được, do đó nếu hàng hoá trong nước vẫn không giảm thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hợp để giá nguyên, nhiên liệu và giá cả hàng hoá trong nước được điều chỉnh phù hợp theo giá xăng. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao năng lực cho hàng hoá xuất khẩu trong nước và ổn định đời sống người dân, giúp doanh nghiệp hồi phục.
Kiểm soát tốt giá cả hàng hoá giúp Việt Nam trong kiểm soát lạm phát và tạo thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi |
Để kiểm soát giá cả hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó đã giao Bộ Công Thương đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện đảm bảo cân đối cung cầu. Trong bối cảnh đó, ngày 4/8 Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác giám sát quản lý thị trường. Ông đánh giá như thế nào về sự quyết liệt của Chính phủ nói chung và Bộ Công thương nói riêng trong việc kiểm soát giá cả hàng hoá?
Tôi thấy việc Chính phủ Ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá cả, trong đó giao Bộ Công Thương trong phạm vi, lĩnh vực thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung-cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trong bối cảnh hiện nay là phù hợp và tạo thuận lợi để kiểm soát lạm phát cũng như hồi phục kinh tế.
Giá xăng đã "hạ nhiệt", nhưng giá cả nhiều loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao |
Đặc biệt, việc Bộ Công Thương có công văn chỉ đạo tới Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay đến hết năm 2022. Đồng thời, chỉ đạo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022 là cần thiết.
Trong đó, nhất là yêu cầu phối hợp với cơ quan báo chí, công khai thông tin, minh bạch để dư luận hiểu rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch…
Tuy nhiên, theo tôi đây mới chỉ là những biện pháp mang tính hành chính, nên để biện pháp hành chính này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn thì bên cạnh những cuộc kiểm tra chuyên đề, Bộ Công Thương nên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị một lượng hàng hoá đủ lớn theo giá xăng mới để tung ra thị trường và công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được và bằng cách này vô hiệu hóa hoạt động duy trì giá cao quá lâu.
Nếu chúng ta vừa kiểm tra, kiểm soát, vừa đảm bảo cung ứng hàng hoá phong phú ra thị trường với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì việc tăng giá bất hợp lý mới hy vọng được khắc phục trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!