Hội nghị nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành thép
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị này nhằm phổ biến các quy định mới có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương - cho biết: Ngành thép là ngành được xếp vào loại có nguy cơ ô nhiễm môi trường và áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc cập nhật các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp ngành thép.
Theo ông Tô Xuân Bảo, thông qua hội nghị này, Cục sẽ phổ biến, cùng trao đổi với ngành thép để hiểu rõ vấn đề phải làm cái gì, để đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường với những quy định mới, chặt chẽ hơn, ngặt nghèo hơn và triển khai đúng theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Tô Xuân Bảo cho rằng, khi áp dụng tuân thủ các quy định mới này, công tác bảo vệ môi trường các danh nghiệp sẽ tốt hơn, đây sẽ là nền tảng phát triển bền vững của ngành thép.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ngành thép |
“Ngành thép là ngành có lượng phác thải, nguồn thải rất lớn. Hội nghị này cũng đưa ra bài toán xử lý chất thải đó như thế nào trong bài toán kinh tế tuần hoàn, để ngành thép vừa xử lý được chất thải vừa biến nó thành sản phẩm mang lại lợi ích đi đôi với công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất” - ông Tô Xuân Bảo bày tỏ.
Nhiều điểm mới trong Luật bảo vệ môi trường
Tại hội nghị, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã phổ biến các quy định mới có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến đông đảo các doanh nghiệp ngành thép tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Hưng – Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã thông tin những điểm cốt lõi về các quy định các quy định, điểm mới về bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trưởng và các văn bản thi hành. Đặc biệt, Luật này có những điểm rất mới so với Luật trước đây, trong đó quy định công tác bảo vệ môi trường hết sức ngặt nghèo trong các lĩnh vực sản xuất...
Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thông tin về các quy định các quy định, điểm mới về bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trưởng và các văn bản thi hành |
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường quy định và Nghị định 08/2022 phân loại ngành sản xuất thép là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, đối với cơ sở nguy cơ như thế, ngành thép phải tuân thủ các điều kiện ngặt nghèo hơn, đặc biệt là liên quan đến chất thải, khí thải, xử lý nước thải, bụi, nguồn thải sản xuất cũng lớn.
Theo đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho rằng, doanh nghiệp phải có phương án tái sử dụng sản xuất kinh tế tuần hoàn, để làm sao đảm bảo được nguồn thải đó vừa bảo vệ môi trường, vừa hiệu quả trong sản xuất. Bên cạnh đó, ngành thép cũng là ngành sử dụng các phế liệu, vì thế bài toán đầu tư công nghệ để đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật mới này.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy chuẩn, liên quan về tiêu chuẩn đối với các tiêu chuẩn về khí thải, chất thải đối với các ngành sản xuất với yêu cầu rất nghiêm ngặt. Chính vì thế, ngành thép cần phải đầu tư đổi mới công nghệ, công tác quản trị làm sao đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu. Đây cũng là bài toán ngành thép phải đặt ra để đầu tư, phát triển trong thời gian tới.