Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan
Trong cơ cấu của xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khả quan |
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2021 ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%. Trong quý I, có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 43,2 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 27,1 tỷ USD, tăng 20,6%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 5,35 tỷ USD, tăng 7,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%; thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2%; thị trường ASEAN đạt 6,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 5 tỷ USD, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,5%.
Ở chiều ngược lại, ước tính tháng 3/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Với những diễn biến như trên, ước tính quý I năm 2021 xuất siêu 2,03 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.
Hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp
Trước đó, chia sẻ với các cơ quan báo chí, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, nhìn lại 1 năm vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19 vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, cho đến nay, điểm đáng mừng nhất có thể được ghi nhận, đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua. Với việc yếu tố dịch bệnh trên thế giới trong năm 2020 không hề thuyên giảm, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ việc tìm các nguồn cung nguyên liệu mới đến các thị trường và khắc phục những khó khăn về đứt gãy của chuỗi cung ứng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, đạt được thành tích xuất khẩu khả quan trong năm 2020.
“Đây chính là sự ghi nhận về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp và có thể nói là dịch Covid- 19 ở một góc độ đó cũng đã làm cho các doanh nghiệp của chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và thích ứng nhanh hơn. Cùng với những tác động của quá trình chuyển đổi số thì làm cho các doanh nghiệp phải thích ứng với một môi trường kinh doanh năng động hơn, đòi hỏi những cách tiếp cận mới hơn” – ông Hải chỉ rõ.
Nhìn vào năm 2021, có thể thấy rằng, kể cả dịch bệnh có thể thuyên giảm thì tác động của Covid-19 vẫn sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa. Yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này và cũng không thể chủ quan mà vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ mà chúng đã phát triển tốt hơn, ví dụ như sử dụng các kênh tiếp thị trên môi trường số.
Thứ hai, chúng ta đã có trong tay các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường cơ bản, những thị trường lớn trên thế giới. Bây giờ các doanh nghiệp của sẽ phải tổ chức sắp xếp lại để tìm hiểu cho kỹ và vận dụng được tốt hơn các lợi thế từ các hiệp định này. Còn các vấn đề về quản trị, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các yếu tố về cải cách hành chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đấy là những vấn đề về lâu dài của chúng ta phải vẫn duy trì.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, hiện nay, các yếu tố về mặt dịch bệnh cũng như những yếu tố về địa chính trị, các vấn đề về tác động chung của kinh tế vĩ mô trên thế giới đến Việt Nam thì Bộ Công Thương đã đều có tính toán đưa vàoo các kịch bản phát triển cũng như các dự báo chính sách của Bộ trong thời gian sắp tới.
“Đối với lĩnh vực về xuất nhập khẩu, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay, về những yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế, những yếu tố về địa lý, yếu tố về tự nhiên cũng như là yếu tố về sản xuất, tác động của khoa học công nghệ. Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn” – ông Hải cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của Hiệp định tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.