Hoạt động kết nối cung-cầu: Những kết quả khả quan
Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu nhãn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng tiêu thụ và xuất khẩu (XK); phấn đấu tiêu thụ hết 75.000 tấn nhãn trong niên vụ 2020, cuối tháng 7/2020, tại huyện Sông Mã, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị "Xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ, XK sản phẩm nhãn Sơn La năm 2020".
Thương mại trong nước phát triển nhờ các hoạt động kết nối cung - cầu |
Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương - khẳng định: Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong công tác đào tạo, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) về thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, giới thiệu các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế tư vấn trực tiếp cho DN trong phát triển thiết kế. Đồng thời, hỗ trợ địa phương kết nối đối tác, phân phối sản phẩm.
Chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững thông qua tổ chức các Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa là một trong những hoạt động trọng tâm được Bộ Công Thương triển khai trong suốt nhiều năm qua.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin, trong khuôn khổ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đã phê duyệt các hiệp hội như: Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; Phát triển hàng tiêu dùng; Hiệp hội Các nhà bán lẻ; Bia - Rượu - Nước giải khát; Nữ Doanh nhân Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam... các Sở Công Thương: Lâm Đồng, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Sơn La... tổ chức trên 70 Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa.
Các Hội nghị đã đem lại kết quả khả quan, thu hút được hàng nghìn đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và đã có nhiều biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc kết nối cung cấp sản phẩm, hợp tác giao thương được ký kết giữa các nhà sản xuất và DN phân phối. Các thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của nhau, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững. Đồng thời, có rất nhiều DN tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu khả năng cung ứng, nhu cầu tiêu thụ để xúc tiến, liên kết hợp tác với nhau trong thời gian tới.
Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, đã có 2.283 hợp đồng đã được ký kết. Riêng Hội nghị kết nối cung - cầu năm 2018 đã kết nối thành công 397 hợp đồng, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...
Nhờ các hoạt động kết nối cung - cầu, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển; người tiêu dùng được sử dụng hàng chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú; các DN phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng, miền thu hút khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Hoạt động kết nối cung - cầu phát triển mạnh mẽ, giúp kết nối người tiêu dùng với các hệ thống phân phối và nhà phân phối với đơn vị sản xuất, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại. |