Thứ hai 23/12/2024 05:30

Hòa Bình: Mô hình khởi nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hợp tác xã ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã xây dựng các mô hình khởi nghiệp, liên kết sản xuất, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ các mô hình kinh tế, khởi nghiệp

Những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế, khởi nghiệp, liên kết sản xuất. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Nhiều thành viên của hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Kim Bôi có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng ớt

Điển hình như trường hợp anh Bùi Thanh Sơn (38 tuổi, dân tộc Mường) - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Kim Bôi đã tận dụng tiềm năng phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp sẵn có của địa phương, cùng sự hỗ trợ của chính quyền đã nghiên cứu, trồng thành công sản phẩm dưa chuột Nhật, qua đó tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Anh Sơn kể: “Năm 2017, sau nhiều lần thất bại, đúc rút kinh nghiệm từ việc trồng dưa chuột Nhật, tôi quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Kim Bôi, với 7 thành viên, tập trung vào trồng các loại cây nông sản ngắn ngày như: Dưa, bầu, bí, ớt… cung cấp nguyên liệu cho các công ty chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đưa sản phẩm vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài”.

Người dân huyện Kim Bôi phấn khởi nhờ mô hình trồng nhãn xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Theo anh Sơn, hiện hợp tác xã có 28 thành viên, ngoài ra còn liên kết với các tỉnh như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng. Từ khi Hợp tác xã đi vào hoạt động, bà con người Mường yên tâm về đầu ra của sản phẩm, thu nhập của bà con đạt khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Nhờ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều người dân huyện Kim Bôi đã xây dựng các mô hình kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo

Còn ông Bùi Văn Vinh (67 tuổi) trú tại xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi tâm sự: “Năm 2016, được sự động viên của chính quyền xã, cán bộ khuyến nông, hội nông dân huyện, gia đình tôi đã xây dựng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng với diện tích gần 3ha. Ngoài trồng các loại cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi… nhà tôi còn đào ao thả cá, kết hợp nuôi 40 con lợn nái và 300 con lợn thịt, đem lại thu nhập ổn định. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng”.

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, gần gũi, gắn bó, tuyên truyền, vận động nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hội Nông dân huyện Kim Bôi thường xuyên hỗ trợ nông dân trên địa bàn phát triển các mô hình sản xuất, trồng cây ngắn ngày

Để cải thiện đời sống hội viên, phát huy vai trò của tổ chức hội, Hội Nông dân huyện Kim Bôi tiếp tục tăng cường các hoạt động đồng hành, hỗ trợ hội viên, đặc biệt là nông dân người dân tộc thiểu số trong việc phát triển chăn nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm rau củ quả, cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP; tạo chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Kim Bôi xây dựng mới hơn 9 km và nâng cấp, sửa chữa hơn 5 km đường giao thông nông thôn; xây mới 1 ngầm, sửa chữa, nâng cấp 3km kênh mương và 8 hồ, đập; xây dựng mới 4 công trình, sửa chữa, nâng cấp 28 công trình trường học. Ngoài ra, các thủ tục đầu tư được chuẩn bị để xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 13 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng các xóm.

Hạ tầng giao thông tại huyện Kim Bôi đang được đầu tư xây dựng đồng bộ vào từng xóm, xã, giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế địa phương

Đến nay, toàn huyện Kim Bôi có 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 trang trại chăn nuôi; có 45 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức với trên 2.000 học viên tham gia; trên 1.000 lao động địa phương được giải quyết việc làm; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho vay 179 dự án trong toàn huyện.

Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi thông tin, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện được thực hiện theo kế hoạch và đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng. Qua đó đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực khó khăn vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, huyện Kim Bôi đang phê duyệt kế hoạch và lựa chọn nhà thầu thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 "Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, kết nối sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu”. Các dự án, tiểu dự án khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đến nay, toàn huyện Kim Bôi có 30 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 17 trang trại chăn nuôi đang hoạt động

Ông Nguyễn Hoàng Thư – Bí thư Huyện ủy Kim Bôi cho biết, Kim Bôi là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định cần tập trung nâng cao và phát huy vai trò của tổ chức Đảng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của cấp ủy cơ sở, phân công cấp ủy viên phụ trách cơ sở.

Đồng thời, chỉ đạo Đảng bộ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng các chi bộ điểm lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó nhân rộng ra các thôn, xã khác. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã cụ thể hóa các chế độ, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành các dự án, đề án để thuận lợi cho công tác lãnh đạo. Đảng bộ các xã đã tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động sức mạnh và sự đồng thuận trong nhân dân.

Bằng tinh thần nêu gương, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy sự đồng thuận của nhân dân chính là phương pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò của tổ chức Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Dần Thanh
Bài viết cùng chủ đề: hợp tác xã

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Lạng Sơn: đưa con chữ đến từng bản làng

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Sơn La: Các hộ dân nghèo xã Chiềng Kheo được hỗ trợ ổn định nhà ở

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và người có công

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế

Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu tại TP. Đà Nẵng

Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu