Bài 1: 'Đánh thức' nội lực, vươn lên thoát nghèo Quảng Ninh quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ 'thẻ vàng' IUU Quảng Ninh: Tập trung đầu tư chất lượng cao, tăng sức hút cho khu công nghiệp |
Với sự đồng hành của cấp uỷ, chính quyền, hội phụ nữ các cấp… việc phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa để nâng cao giá trị các loại nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP góp phần tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới đã được nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện hiệu quả. Qua đó, có nhiều phụ nữ mạnh dạn vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa, tạo nên hình ảnh người phụ nữ năng động, sáng tạo và nâng tầm giá trị tài nguyên bản địa.
Phát triển hợp tác xã do phụ nữ làm chủ
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới và khu vực. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã. Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu "Tiếp tục thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc làm chủ"; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra chỉ tiêu "Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".
Tháng 1/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01). Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đầu mối của Đề án đã phối hợp ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh hợp tác xã Việt Nam để triển khai Đề án và nhiều hoạt động khác hỗ trợ phụ nữ trong hợp tác xã.
Góp phần vào nỗ lực chung của đất nước, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong điều hành, quản lý các hợp tác xã.
Học viên tham gia lớp tập huấn phát triển mô hình kinh tế tập thể và định hướng phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cho lãnh đạo, thành viên hợp tác xã. |
Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý để thành lập mô hình; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, cá nhân đầu tư vào hoạt động mô hình.
Ngoài ra, đại diện nữ quản lý các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác còn được hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo do các cấp, các ngành tổ chức nhằm tạo cơ hội phát triển mô hình về cả quy mô và chất lượng sản phẩm thông qua các hoạt động của cuộc thi.
Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng tem nhãn, bao bì sản phẩm được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp quan tâm và tổ chức thực hiện hiệu quả, có chiều sâu, giúp cho hợp tác xã và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ có thêm động lực để phát triển, qua đó tăng trưởng về quy mô, chất lượng sản phẩm.
Bà Trần Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất sản phẩm tái chế và dịch vụ tổng hợp Green Life Hạ Long (bên phải) hướng dẫn nhân viên may túi đi chợ từ bạt của pano tuyên truyền cũ. |
Từ mô hình "Biến rác thành tiền" mà Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hạ Long triển khai đến tất cả các chi hội phụ nữ trong tỉnh, bà Trần Thị Hương đã quyết định thành lập Hợp tác xã Sản xuất sản phẩm tái chế và dịch vụ tổng hợp Green Life Hạ Long. Những phế liệu bỏ đi như pano, áp phích, vải thừa, lốp xe cũ... được bà Hương cùng các nhân viên trong hợp tác xã sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Sau 4 năm thành lập, đến nay số tiền nữ giám đốc bỏ ra để phát triển hợp tác xã đã lên tới 500 triệu đồng.
"Hợp tác xã phát triển như hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hạ Long. Hội đã tiếp thêm động lực, hướng dẫn tôi từ những phần việc nhỏ nhất, để tôi có thể phát triển mô hình theo hướng bền vững", bà Hương cho biết thêm.
Hợp tác xã của bà Hương tạo công việc cho hơn chục phụ nữ trên địa bàn, trong đó có 9 thành viên chính. Bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi, ở TP Uông Bí) chia sẻ: "Tôi tham gia vào hợp tác xã từ năm 2019. Để làm ra sản phẩm tái chế đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo. Công việc này giúp tôi vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa bảo vệ môi trường, tôi cũng thấy cuộc sống ý nghĩa hơn".
Hiện bà Hương đang xây dựng thêm các phòng trưng bày, để khách du lịch khi tới có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, mở rộng các đối tượng, hướng đến học sinh, trẻ mầm non, kết nối với các trường học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm, từ đó lan tỏa lối sống xanh đến với thế hệ trẻ.
Hợp tác xã Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên do chị Lê Thị Bích Hạnh làm Giám đốc, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Tiên Yên. |
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị của nguồn nguyên liệu trà hoa vàng, năm 2021, Hợp tác xã Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến trà hoa vàng tại thị trấn Tiên Yên. Toàn bộ nguyên liệu chế biến được hợp tác xã thu mua của người dân xã Hà Lâu, qua đó giải quyết đầu ra cho sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho lao động.
Bà Lê Thị Bích Hạnh - Giám đốc Hợp tác xã Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên, cho biết: "Tiên Yên là địa phương có nguồn nguyên liệu trà hoa vàng dồi dào. Nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm địa phương, chúng tôi đã chủ động tham gia bao tiêu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiết giảm chi phí, tận dụng tối đa diện tích, chúng tôi đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ liên kết với các đơn vị khác để chế biến đa dạng dòng sản phẩm từ trà hoa vàng".
"Chắp cánh" sản phẩm OCOP từ tài nguyên bản địa
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn của Việt Nam phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Trong số các chủ thể tham gia OCOP, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, khoảng 20% hợp tác xã đăng ký sản phẩm OCOP là mô hình do phụ nữ quản lý và đóng góp vào thành công của chương trình.
Hội viên phụ nữ xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) tham gia Hội chợ OCOP huyện Đầm Hà hồi tháng 2/2024. |
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của Chương trình OCOP đối với việc cải thiện kinh tế của người nông dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực tham gia với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cùng nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao.
Đồng hành và tạo thêm cơ hội giúp chị em phụ nữ dân tộc vươn lên làm kinh tế, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp của Quảng Ninh đã tranh thủ vận động và kết nối nguồn lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều mô hình hay được phát triển trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.
Bà Nguyễn Thúy Hà - người đã giúp bà con xã Đồng Sơn đưa "hạt ngọc trời" tới tay người tiêu dùng. |
Thương hiệu về các sản phẩm như: Thanh long ruột đỏ, nấm linh chi, rượu ba kích, củ cải Đầm Hà, miến dong Bình Liêu, mực ống Cô Tô, nem chua Quảng Yên, ổi Hoành Bồ, chè hoa vàng Ba Chẽ… đã trở nên nổi tiếng và vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Là Giám đốc Hợp tác xã Nông-lâm-ngư nghiệp Việt Hưng (TP. Hạ Long), bà Nguyễn Thúy Hà đã chèo lái "con thuyền" hợp tác xã từng bước khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng bằng những sản phẩm sạch, chất lượng, góp phần nâng tầm nông sản Việt nói chung, nông sản Quảng Ninh nói riêng.
Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay hợp tác xã đã liên kết sản xuất với 65 hộ dân các xã vùng cao ở TP. Hạ Long với hàng chục sản phẩm thế mạnh của các địa phương, như: Khau nhục Sơn Dương; ổi Hoành Bồ; trà gạo lứt đỗ đen xạ đen; lúa nương; khoai sọ nương; bí xanh, dưa hấu Sơn Dương; bưởi da xanh Hòa Bình… Trong đó, ổi Hoành Bồ, trà gạo lứt đỗ đen xạ đen đạt sản phẩm OCOP 4 sao; khau nhục Sơn Dương đạt OCOP 3 sao.
Năm 2023, khâu nhục Sơn Dương được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh. Hợp tác xã hiện là đại diện mã vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS đối với sản phẩm ổi, hướng đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế và phát triển thêm sản phẩm du lịch cộng đồng.
Bà Lê Thị Thêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng. |
Là doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, bà Lê Thị Thêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng cho biết, với mục tiêu mang lại cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng nhất, hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, đảm bảo VSATTP theo tiêu chuẩn ISO 22000.
Đồng thời, hợp tác xã không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác để giới thiệu sản phẩm phục vụ khách trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa và số hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm như bán hàng online thông qua Facebook page, Zalo, các sàn thương mại điện tử như Voso, Lazada, Shopee...
Các sản phẩm của Hợp tác xã Huy Hoàng được trao các chứng nhận OCOP tỉnh Quảng Ninh, như rượu trà hoa vàng và rượu dâu tằm (đạt chứng nhận 4 sao). Sản phẩm rượu trà hoa vàng đã được Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
"Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục hoàn thiện đổi mới sản phẩm hơn nữa để dần hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài, nâng tầm chất lượng đưa thương hiệu rượu quê hương vươn xa", bà Thêm cho hay.
Sản phẩm OCOP thanh long ruột đỏ của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ). |
Là một huyện còn khó khăn của Quảng Ninh nhưng Ba Chẽ lại có tiềm năng dồi dào về sản vật núi rừng. Nếu như trước đây, người dân Ba Chẽ nói chung, phụ nữ nói riêng, chưa nhận thấy hết được những thế mạnh của địa phương để thay đổi cuộc sống, thì nay, với suy nghĩ mới, cùng bàn tay lao động cần cù, những người phụ nữ nơi đây đã có thể ổn định kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo từ chính những sản phẩm OCOP của quê hương.
Tại Ba Chẽ, thanh long ruột đỏ, ba kích tím, rượu ba kích, trà hoa vàng… đã trở thành những sản phẩm OCOP chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Hội viên phụ nữ của Ba Chẽ những năm qua đã phát huy lợi thế về các sản phẩm này để tạo nên thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Thông qua chương trình OCOP, huyện Ba Chẽ ngày càng có nhiều điển hình nữ chủ hộ, hợp tác xã mạnh dạn vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những cách làm hiệu quả để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Thành công từ các phong trào, mô hình kinh tế của phụ nữ toàn tỉnh Quảng Ninh đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho hội viên, xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương.
"Trong những năm tiếp theo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt Đề án 01, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương, đất nước", bà Thủy nhấn mạnh.
Bài 3: Doanh nhân nữ vững vàng vượt sóng, vươn xa