Chủ nhật 22/12/2024 01:28

Hoà Bình: Giải quyết tranh chấp đất đai của bà con dân tộc bằng “con đường” hoà giải ở cơ sở

Vướng mắc liên quan tới đất đai vẫn là một trong những vấn đề phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình.

Vướng mắc liên quan tới đất đai vẫn là một trong những vấn đề phổ biến

Cây mít nhà ông Đinh Văn Hoan (xóm Tình, xã Tú Lý, Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) có tuổi đời còn nhiều hơn cả ông Hoan. Không biết chính xác năm nào, nhưng cây được trồng từ thuở ông nội và người cha của ông Hoan vào đây khai hoang vỡ đất. Thế nhưng, đến nay, gia đình ông Hoan vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, chính chủ với mảnh đất có cây mít cùng 2ha đất gia đình đang sinh sống, canh tác.

Cây mít nhà ông Đinh Văn Hoan (xóm Tình, xã Tú Lý, Đà Bắc, Hòa Bình)

Thực ra, không phải là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ là có mà không phải tên của ông Hoan. Năm 2010, gia đình ông Hoan dựng nhà trên mảnh đất này với suy nghĩ có phần quá giản đơn “đất ông cha để lại, không tranh chấp, cứ thế mà làm nhà”. Ấy vậy mà đến năm 2019, khi sáp nhập địa giới hành chính, cả nhà mới phát hiện ra 2ha đất mình đang ở đã có sổ đỏ.

Đáng nói, trong giấy tờ ghi rõ toàn bộ diện tích là đất lâm nghiệp, do cha đẻ ông Hoan làm nhưng lại đứng tên anh trai cả. Điều này đồng nghĩa với việc, gia đình ông đã làm nhà trên diện tích đất lâm nghiệp của người khác. Cái khó, vướng mắc nảy sinh từ đó. “Quá bất tiện. Gia đình cũng chỉ muốn làm sổ đỏ để con cháu có cơ sở làm ăn, chứ không phải mua bán gì. Nếu mà biết trước thì gia đình đã đi làm sổ đỏ rồi, chứ không đến nỗi như bây giờ. Nhưng mình lại không biết, nên giờ phải chịu”, ông Đinh Văn Hoan chia sẻ.

Những trường hợp như ông Hoan không phải là hiếm gặp. Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng thực tế, đến nay, nhiều người dân vẫn còn gặp những hạn chế nhất định trong tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai dẫn đến quyền lợi không được đảm bảo, nảy sinh tranh chấp, khiếu nại hoặc vô tình biến mình trở thành người vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo ông Đinh Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, một số bà con có tâm lý sử dụng đất chỉ là ở, canh tác trên đó nhưng lại chưa rõ về quyền của mình, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, mình sử dụng đã đúng chưa.

Nhận thức, thói quen của người dân là một trong những hạn chế của quản lý, sử dụng đất đai ở nông thôn, miền núi, nhưng vẫn còn những bất cập khác. Địa bàn miền núi với diện tích rộng lớn, địa hình phức tạp, giá trị đất ngày càng tăng thế nhưng nhiều nơi vẫn quản lý một cách khá… thủ công. Ngoài ra, đa phần các tranh chấp, mâu thuẫn đất đai đều xuất phát từ nguyên nhân mang yếu tố lợi ích kinh tế.

Ông Đinh Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tú Lý, Đà Bắc, Hòa Bình

Việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất với đo đạc bản đồ địa chính chính quy rất khó khăn. Hiện chúng tôi cấp đất theo Nghị định 354, kẻ vẽ bản đồ, thủ công. Theo yêu cầu quản lý Nhà nước bằng kỹ thuật số nhưng hiện nay xã chúng tôi cũng như huyện Đà Bắc chưa lập được bản đồ địa chính quy nên trong quá trình quản lý của chính quyền, sử dụng đất của bà con vẫn còn chưa rõ ràng về mốc giới, giữa bản đồ và thực trạng vẫn còn sai lệch, chưa chuẩn chỉ.

Đất đai gắn chặt với lợi ích của người dân nên những vướng mắc, tranh chấp về đất đai cũng phải giải quyết bắt đầu từ chính người dân.

Nhận diện vướng mắc từ sớm, xử lý mâu thuẫn từ gốc, phòng ngừa tranh chấp từ xa, những phương châm trong hòa giải đất đai ở cơ sở tại Đà Bắc đang tỏ rõ tác dụng. Thống kê của UBND huyện Đà Bắc, cả năm 2022 và quý I/2023, toàn huyện giải quyết 62 vụ việc thông qua phương thức hòa giải, trong đó hòa giải thành công 47 vụ, đạt tỷ lệ 75,8%. Đóng góp vào kết quả này có nỗ lực rất lớn của 788 hòa giải viên cơ sở trên toàn địa bàn. Thế nhưng, con số gần 25% vụ việc hòa giải không thành cũng cho thấy những khó khăn của công tác hòa giải ở cơ sở nói chung, khó khăn của các hòa giải viên cơ sở nói riêng.

Ông Xa Kỳ Đông - Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Tình, xã Tú Lý, Đà Bắc, Hòa Bình chia sẻ, khó khăn rất nhiều, nhất là sổ đỏ. Sổ đỏ người dân ở đây đa số đo bằng sào, bằng tay, biến dạng rất nhiều. Không như đo bằng máy, có định vị, bản đồ. Bản đồ không có, đa số các gia đình tự khai, dẫn tới diễn biến phức tạp và có những trường hợp cố tình không hiểu.

Cách nào tăng khả năng tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc?

Xác định giải quyết tranh chấp, vướng mắc về đất đai phải xuất phát từ gốc, ngay từ lúc mới phát sinh, thông qua hòa giải cơ sở cũng là một trong những ưu tiên của Dự án Tăng cường quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cùng Helvetas Việt Nam triển khai suốt 3 năm qua.

Đa dạng các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc

Nhờ vậy, đã có hơn 3.200 người được đào tạo, tư vấn về quyền và giải quyết tranh chấp đất đai, hơn 600 hòa giải viên cơ sở được tập huấn và trang bị một bộ cẩm nang hòa giải đất đai chuyên nghiệp, bài bản lần đầu tiên được xây dựng.

Theo bà Đinh Thị Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), nếu như trước đây các thành viên tổ hòa giải làm việc chủ yếu theo cảm tính, tự nguyện, nhiệt tình nhưng giờ đã được trang bị kiến thức hòa giải cơ bản nói chung, hòa giải đất đai nói riêng. Khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai như chuyển nhượng, chia tách sổ, người dân cũng được tiếp cận, được hướng dẫn, được biết rõ hơn về các thủ tục mình cần làm, làm như thế nào, gặp ai, ở đâu.

Ông Lưu Văn Thường - Chánh thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình

Khoảng trên 70% câu hỏi, vướng mắc pháp luật của người dân là liên quan đến đất đai, nhà ở. Có thể thấy, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực được người dân quan tâm, cũng xuất hiện nhiều vướng mắc nhất ở cơ sở. Thực tế này cũng xuất phát rất tự nhiên vì nó liên quan tới một tài sản rất giá trị của con người nói chung, người nông dân nói riêng.

Bộ cẩm nang về hòa giải đất đai ở cơ sở với các nội dung được chắt lọc kỹ càng, cách trình bày khoa học, hấp dẫn, ngắn gọn, súc tích, từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, đã trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích đối với tổ hòa giải và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan liên quan trong việc xử lý các vấn đề về đất đai. Đồng thời, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung nâng cao kiến thức pháp luật về đất đai và các cơ chế hỗ trợ giải quyết các vướng mắc liên quan tới đất đai.

Để làm tốt công tác hòa giải đất đai không chỉ phải vững về kiến thức mà còn phải thạo về phương pháp, kỹ năng. Muốn vậy, không gì khác phải dấn thân vào thực tế hoặc thử thách qua những gì gần với thực tế nhất. Với mục đích đó, trong năm 2022, tại Hòa Bình đã có chuỗi 8 hội thi giao lưu sân khấu hóa nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về pháp luật đất đai và hòa giải ở cơ sở. Tất cả đều được đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Song song với nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, nhiều hoạt động truyền thông về đất đai cũng góp phần làm thay đổi tư duy của người dân vùng cao Hòa Bình về sử dụng đất đai. Những chương trình truyền thanh được sản xuất phát sóng ngay tại địa bàn, những chương trình đối thoại, cổ động trực quan… dần dần đưa việc tuân phủ pháp luật về đất đai và nắm bắt các thủ tục hành chính về đất đai đi vào tâm thức của người dân.

Hòa Bình nỗ lực tăng khả năng tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa được lấy ý kiến rộng rãi. Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Lưu Văn Thường - Chánh thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình

Vai trò của hòa giải viên cơ sở rất quan trọng. Họ chính là người có thể tháo gỡ những vướng mắc, tranh chấp nhỏ mới nảy sinh ở cơ sở vì họ nắm địa bàn, hiểu tranh chấp, các bên tranh chấp. Vì vậy, đây là một cách góp phần hạn chế tranh chấp ở cơ sở, đảm bảo tình làng nghĩa xóm. Khi lực lượng này phát huy được vai trò của mình, trang bị kiến thức pháp luật kết hợp với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng sẽ góp sức cho chính quyền cơ sở trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Đây được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân có thể tiếp cận một cách đầy đủ hơn với đất đai cũng như giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai hiệu lực, hiệu quả hơn.

Trong lúc chờ đợi luật mới, nhiều cách làm hiệu quả cũng đang được các cấp, các ngành, các địa phương vùng cao triển khai, phù hợp với điều kiện thực tiễn, để giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân ngay tại chỗ. Tuy nhiên, cũng phải tính đến những giải pháp lâu dài mang tính bền vững.

Tiếp cận đất đai với người dân nói khó mà lại không quá khó. Với họ, đất dù quý đến mấy, nhưng cái lý, cái tình với đất, với người vẫn là điều quý giá nhất. Ông Phạm Văn Lương - Giám đốc Tổ chức Helvetas Việt Nam cho hay, các tổ chức ở cơ sở như: Hội nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên… là các đơn vị trung gian để xử lý, giải quyết các vấn đề, xung đột liên quan tới đất đai. Vì vậy, có thể nâng quyền tiếp cận đất đai của bà con dân tộc thiểu số thông qua nâng cao năng lực cho các thành viên tổ chức này.

Là tài nguyên vô cùng quý giá, tư liệu sản xuất đặc biệt, đất đai có ý nghĩa lớn với người dân, nhất là bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những người mà sinh kế chủ yếu dựa vào đất.

Tuy nhiên, một số người vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định trong tiếp cận một cách đầy đủ với đất đai. Từ đó dẫn tới việc quyền và nghĩa vụ của họ chưa được thực hiện một cách trọn vẹn. Vướng mắc liên quan tới đất đai vẫn là một trong những vấn đề phổ biến, nhất ở khu vực nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, để có cơ sở đưa ra các chính sách đúng đắn về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cần có các dữ liệu thực về tình hình sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất, thu nhập từ đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Thông tin mới nhất về phương án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên Môi trường

Gia Lai: Các nhà vườn đang tất bật chăm sóc hoa để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Việt Nam thí điểm thành công hệ thống dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê

Hợp tác về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực nông nghiệp

Lần đầu tiên diễn ra Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025

Công ty Thủy điện Sông Bung trao tặng 30 con bò giống cho hộ nghèo tại tỉnh Quảng Nam

Hợp nhất hai Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên: Sẽ giảm tới 25 cục, vụ, đầu mối

Báo Công Thương đoạt giải Chuyên đề báo chí toàn quốc viết về tam nông

Gia Lai: Khung cảnh lung linh tại các nhà vườn chong đèn 'thức' cùng hoa Tết

Hà Giang: Quyết tâm xóa 89 nhà tạm, nhà dột nát trước Tết Nguyên đán 2025

Thêm 3 công trình thủy lợi vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

Tăng cường phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Dưa hấu rớt giá thê thảm, nông dân Gia Lai 'mòn mỏi' chờ thương lái

Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi

Đà Nẵng: Xử lý 144 tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản thế nào?

Gia Lai: Mới lạ mô hình trồng dâu tây treo tường của chàng kỹ sư công nghệ thông tin

Cả nước còn khoảng 340 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nặng

Thêm cơ sở để áp thuế VAT 5% với phân bón

Vẫn còn 41,8% số công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém bền vững

Rạng Đông - Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp