Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người
Phấn đấu 100% hộ gia đình DTTS ít người được hỗ trợ phát triển sản xuất |
Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Thời gian thực hiện đề án là 10 năm (2016 - 2025) với kinh phí 1.861 tỷ đồng. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2016 đến năm 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2025.
Các chỉ tiêu chủ yếu
Mục tiêu của đề án nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc rất ít người; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu như sau: Giảm tỷ lệ hộ nghèo 7% - 8%/năm. Đến năm 2025 mức sống bình quân của các dân tộc rất ít người tương đương với các dân tộc khác trong vùng, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở. 100% thôn, bản có hệ thống cầu, đường giao thông đi được 4 mùa trong năm tới trung tâm xã; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng; có điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu để phục vụ sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn, bản phấn đấu theo định hướng tiêu chí nông thôn mới: Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng ưu tiên cho các thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong đó, tập trung vào các hạng mục cần thiết như: Đường giao thông, cầu, cống; công trình thủy lợi và điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; lớp học kiên cố, nhà ở công vụ cho giáo viên; nhà sinh hoạt cộng đồng và các trang thiết bị phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc...
Hỗ trợ phát triển sản xuất: Hỗ trợ giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. Hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng. Hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho đồng bào.
Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào: Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc (nghề, lễ hội, nhạc cụ, trang phục...). Tổ chức dạy và học tiếng dân tộc theo các hình thức phù hợp. Cấp trang thiết bị cho 194 nhà sinh hoạt cộng đồng. Thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn, bản; xây dựng 10 điểm thôn, bản tiêu biểu bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống.
Đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, nâng cao trình độ cho cán bộ là người dân tộc rất ít người. Phấn đấu dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành về giáo dục và y tế, trong đó ưu tiên cho các dân tộc rất ít người.
Về tổ chức thực hiện, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, dự án thành phần cho từng năm và cả giai đoạn thực hiện đề án. Ủy ban Nhân dân các tỉnh ban hành các danh mục dự án cụ thể làm căn cứ phê duyệt, triển khai thực hiện theo tiến độ, mục tiêu của đề án. Chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần theo quy định và xây dựng kế hoạch hằng năm gửi Ủy ban Dân tộc.