Hiệp định EVFTA giúp mang lại giá trị bền vững cho nông sản xuất khẩu
EVFTA được đánh giá là con đường cao tốc đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU. Qua hơn 3 năm triển khai hiệp định, xin ông cho biết đánh giá về hiệu quả của hiệp định đối với việc xuất khẩu nông sản Việt sang EU?
TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam |
Với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA thì đóng góp lớn nhất là giúp chúng ta có thể khai thác được những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc lợi thế cạnh tranh so sánh, đặc biệt đối với ngành nông sản. Đây là yếu tố rất quan trọng trong thương mại quốc tế khi khó có nhiều quốc gia có được.
Điển hình của việc này được thể hiện qua những con số như sự tăng trưởng vượt bậc của rất nhiều mặt hàng khác nhau được xuất khẩu sang châu Âu. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, gỗ, thuỷ sản… thời gian qua, EVFTA giúp ta khai thác thêm lợi thế ở các mặt hàng gạo, giúp xuất khẩu tăng trưởng gấp 2-3 lần trước đây.
Rau củ quả cũng tăng trưởng đáng kể với kim ngạch năm 2022 đạt 200 triệu USD, khiến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu rau quả thứ 59 vào EU trên thế giới. Điều đó cho thấy chúng ta đã khai thác được lợi thế từ EVFTA.
Rau củ quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU |
Ngoài việc giúp nền kinh tế khai thác được các lợi thế so sánh, EVFTA còn là cú huých giúp ngành sản xuất thay đổi. Các doanh nghiệp trong khu vực, các cơ sở thu mua phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng. Điều này về lâu dài là yếu tố rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp nước ta chứ không phải chỉ là xuất khẩu đơn thuần. Việc thay đổi sản xuất giúp mang lại giá trị bền vững đối với sản xuất nông lâm thuỷ sản và góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Bên cạnh ưu đãi, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với vô số hàng rào từ thị trường. Dưới góc độ là chuyên gia kinh tế, ông nhận định như thế nào về những khó khăn này? Theo ông, tại sao nông sản Việt lại chưa có được những thương hiệu đủ mạnh tại EU?
Chúng ta có thể coi hàng rào kỹ thuật là tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể đạt được kết quả như khách hàng yêu cầu. Đây cũng là cách giúp giá trị hàng hoá Việt Nam cao lên. Thực tế, bất kỳ thị trường nào cũng đặt ra tiêu chuẩn và hàng rào khác nhau. Ví dụ như EU có tiêu chuẩn và hàng rào truyền thống như kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật với các biện pháp phòng vệ thương mại. Họ luôn đưa ra tiêu chuẩn mà ta thường xuyên phải cập nhật.
Hoặc EVFTA có những tiêu chuẩn về xuất xứ thuần tuý, đặt ra những yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải tìm hiểu và đáp ứng.
Ngoài ra, còn những tiêu chuẩn khác về trách nhiệm xã hội, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm mà bất cứ thị trường nào cũng có thể yêu cầu.
Với EU còn có những tiêu chuẩn mới được đưa ra với không chỉ doanh nghiệp mà là với tất cả các ngành hàng của Việt Nam. Ví dụ EU có luật về bảo vệ rừng, chống phá rừng và suy thoái rừng, trong đó EU cấm nhập nông lâm sản có liên quan đến phá rừng. Họ cũng đưa ra những tiêu chuẩn mới về thuỷ sản như cấm khai thác không khai báo, quy định IUU với thuỷ hải sản… Như vậy, luôn luôn có những quy định mới ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu ta tiếp cận các tiêu chuẩn này như là hàng rào kỹ thuật nhằm giúp cho nhà sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn, thâm nhập tốt hơn vào EU thì doanh nghiệp sẽ có biện pháp khắc phục hiệu quả. Vì mỗi doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu sang EU mà còn xuất khẩu sang cả CPTPP, Nhật Bản, Úc… Nếu ta đạt được những tiêu chuẩn EU thì sẽ đạt được tiêu chuẩn ở những thị trường khác. Nó cũng tốt cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Những thay đổi và yêu cầu từ thị trường là không tránh khỏi, song nhiều doanh nghiệp Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ, còn nhiều hạn chế chưa thể ngay lập tức theo kịp những đòi hỏi của thị trường, đặc biệt trong vấn đề xây dựng thương hiệu. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Hiện số lượng doanh nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản không nhiều, chỉ vài nghìn doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đủ lớn để đầu tư vào thương hiệu cũng không nhiều. Việc xây dựng thơng hiệu để xuất khẩu vào thị trường EU thì không thể chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp này mà cần nhiều doanh nghiệp khác, thậm chí hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể trong chuỗi nuôi trồng, thu mua, chế biến, cung ứng nguyên nhiên vật liệu cho các doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi nỗ lực chung của cả các cơ sở kinh tế, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Việc xây dựng thương hiệu không chỉ chờ đợi vào riêng các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn mà những doanh nghiệp này sẽ có vai trò dẫn dắt, vai trò quan trọng trong việc định hướng cho cả chuỗi sản xuất cùng xây dựng thương hiệu.
Thực tế, tôi đã có dịp đi cùng nhiều đoàn kiểm tra và họ không đến các doanh nghiệp lớn mà là đến các doanh nghiệp nhỏ để xem doanh nghiệp có đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm không? Có đảm bảo an toàn lao động không? Như vậy, trong một chuỗi sản xuất, mỗi doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mỗi hộ gia đình đều phải có trách nhiệm xây dựng thương hiệu của mình, từ đó đóng góp cho thương hiệu chung của cả ngành. Đó là ý thức ngay từ đầu.
Theo ông, giải pháp xây dựng thành công thương hiệu của doanh nghiệp Việt nhằm tận dụng EVFTA đối với hàng nông sản trong thời gian tới là gì?
Cách thức mà ta tiếp cận xây dựng thương hiệu là thương hiệu của ngành hàng, của quốc gia. Trong tâm trí người tiêu dùng châu Âu khi nói về 1 ngành hàng thì họ sẽ nghĩ hàng hoá này được sản xuất tại Việt Nam, có chất lượng, gắn với tiêu chuẩn về xã hội, môi trường, phát triển bền vững. Nếu xây dựng được cái đó thì không chỉ cơ quan nhà nước mà cả các doanh nghiệp là “con sếu đầu đàn”, các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ đều phải coi những việc hiện nay ta làm là hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của cả ngành. Ngoài các tiêu chuẩn trước đây về truy xuất nguồn gốc cũng cần lưu ý đến các tiêu chuẩn mới hơn của EU như các quy định sắp tới về chống phá rừng, các quy định vè thuế các bon… Điều này sẽ đến rất sớm và ta cần chuẩn bị cho những thách thức mới này để tạo ra vị thế mới cho nông sản Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!