Chuỗi cung ứng lạnh sẽ khuấy động ngành logistics năm 2021? |
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2020 thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18% với doanh thu 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Hậu cần kho bãi “nóng” theo thương mại điện tử |
Bà Trang Bùi - Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL - nhận định, Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng đã luôn là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng.
“So với các hoạt động hậu cần truyền thống, thương mại điện tử sử dụng nhiều lao động hơn và đòi hỏi nhiều không gian kho bãi hơn gấp ba lần”- Bà Trang phân tích.
Tận dụng cơ hội này, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng kho bãi và các dịch vụ logistics. Đơn cử như ngay đầu năm 2021 - Tập đoàn BEST Inc. đã đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 8 triệu USD. Sắp tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa vào vận hành thêm 1 trung tâm phân loại hàng hóa mới ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Lợi - Phó tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam chia sẻ, đây là trung tâm phân loại hàng hóa thứ 7 của BEST Inc. tại Việt Nam và là trung tâm có quy mô lớn và hiện đại nhất của tập đoàn khu vực Đông Nam Á. Với tổng công suất xử lý lên đến hơn 1,3 triệu kiện hàng/ngày, việc Trung tâm phân loại TP. Hồ Chí Minh chính thức vận hành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hàng hóa của dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express đồng thời tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 1.000 người lao động trên địa bàn.
Việc đầu tư trung tâm hàng hóa mới ở thời điểm này, theo ông Lợi là để đón đầu xu thế phát triển mạnh của thương mại điện tử tại Việt Nam đòi hỏi tốc độ xử lý đơn hàng nhanh và tối ưu chi phí.
Trước đó, trong năm 2020 nền tảng thương mại điện tử Shopee đã đưa vào vận hành kho hàng thứ 3 tại thị trường Việt Nam. Nằm trong khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), kho hàng này có quy mô lớn nhất trong hệ thống kho vận của Shopee Việt Nam. Tại kho hàng mới này Shopee không chỉ gia tăng mức độ tự động hóa mà còn tích hợp hệ thống quản lý chuyên biệt để phân tích vị trí hàng hóa ngay khi người mua đặt hàng. Quy trình di chuyển được vận hành theo dây chuyền giúp đưa sản phẩm đến người giao hàng một cách hợp lý nhất, tiết kiệm thời gian chờ và chi phí.
Tương tự, Lazada cũng đã đầu tư 3 kho lớn với tổng diện tích 22.000m2 ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội cùng với mạng lưới 34 trung tâm phân phối trên toàn quốc. Trong đó, LEL Express - công ty giao nhận trực thuộc Tập đoàn Lazada đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động thứ hai tại Hà Nội với công suất lên đến 10.000 sản phẩm/giờ.
Nhìn vào sự tăng tốc đầu tư cho kho vận phục vụ thương mại điện tử, JLL đánh giá, ngành logistics Việt Nam đang rất lạc quan bởi chỉ trong vòng 24 tháng qua, đã có gần 3 tỷ USD đầu tư hệ thống kho vận và các trung tâm logistics hiện đại.
Đáng chú ý, theo xu hướng chung của ngành logistics hiện đại - lấy công nghệ làm nền tảng, các nhà đầu tư kho bãi cho biết sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ tự động hóa và quản lý thông minh vào hoạt động kinh doanh chuyển phát nhanh, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và thúc đẩy các ứng dụng công nghệ vận tải thông minh để tích cực hướng đến mục tiêu số hóa ngành chuyển phát.
“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành thương mại điện tử đang phát triển, BEST Inc sẽ đầu tư vào công nghệ tự động hóa logistics và xây dựng chuỗi cung ứng thông minh bằng cách tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển, xây dựng hệ thống phân phối thông minh, kho bãi thông minh cũng giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số…”- ông Nguyễn Đình Lợi - Phó tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam cho biết.