Chuỗi bán lẻ thắt chặt an toàn chất lượng thực phẩm, thích ứng xu hướng mới ABA Cooltrans khai trương trung tâm phân phối lạnh thứ 3 Thị trường chuỗi cung ứng lạnh: Khoảng trống tỷ đô |
Nhộn nhịp vốn đổ vào chuỗi cung ứng lạnh
Trong lúc nhiều ngành công nghiệp gần như đóng băng trong đại dịch, các nhà đầu tư vẫn không ngần ngại rót tiền vào phát triển và nâng cấp dịch vụ cho chuỗi cung ứng và tài sản hậu cần. Cụ thể, vào tháng 9/2020, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam (VGSF), sau khi nhận được nguồn vốn tài trợ từ Ủy ban FinExpro (Vương quốc Bỉ), đã khởi công xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm khởi động dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.
Chuỗi cung ứng lạnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư |
Cũng trong tháng 9/2020, Tập đoàn ABA Cooltrans đã mở thêm một trung tâm phân phối lạnh quy mô 10.000 m2 với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Chia sẻ về việc mở kho lạnh mới này, ông Lương Quang Thi - Tổng Giám đốc của ABA cho biết, với DC miền Đông 1, ABA sẽ có thể chủ động đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) của khách hàng không bị gián đoạn trong thời gian khó khăn do dịch bệnh. Ngoài ra, đây cũng là một cách khẳng định bước phát triển chiến lược về khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân phối thực phẩm của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn 2023 và sứ mệnh ABA cam kết - an toàn thực phẩm cho người Việt Nam.
Hay Tập đoàn THACO cũng dự kiến năm nay sẽ tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ thống kho lạnh và trung tâm giao nhận - vận chuyển để nâng sản lượng trái cây xuất khẩu qua cảng biển Chu Lai đạt mức 120.000 tấn/năm.
Thương mại điện tử và bán lẻ thúc đẩy chuỗi cung ứng lạnh phát triển
Thực tế, trong báo cáo mới nhất của Công ty JLL Việt Nam công bố gần đây đã cho thấy, trong quý II/2020 cho thấy giá thuê văn phòng và bán lẻ, cộng với giá trị vốn đã giảm ở đa số các thị trường lớn tại Châu Á Thái Bình Dương, trong khi giá thuê dịch vụ hậu cần hầu như không đổi.
Lý giải việc giá thuê hậu cần không đổi, giới chuyên gia phân tích rằng, thương mại điện tử là một động lực lớn cho thị trường này. Cụ thể, Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với doanh thu đến cuối năm nay dự kiến đạt 13 tỷ USD. Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng đã luôn là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngày càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng chuỗi lạnh từ lâu, và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm,.... Nhưng động lực thúc đẩy ngành kho vận lạnh không chỉ có vậy mà còn là sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đặc biệt, nổi bật nhất chính là vắc-xin Covid-19 và các loại vắc-xin khác trong tương lai. Bên cạnh đó, theo khảo sát mới nhất của JLL, tất cả các vắc-xin hàng đầu đều yêu cầu nhiệt độ rất thấp để duy trì hiệu quả, bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vắc-xin có thể là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tiếp theo cho chuỗi cung ứng và ngành hậu cần.
Bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao mảng Thị trường JLL Việt Nam - đánh giá: Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Logistics đa phương thức và chuỗi lạnh dành cho các sản phẩm nhạy nhiệt như thực phẩm, mỹ phẩm hay vắc-xin sẽ đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ hậu cần không ngừng đổi mới và cải tiến quy trình cũng như công nghệ để không để vuột mất cơ hội hưởng lợi từ các phân khúc tăng trưởng nhu cầu rất nhanh này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được những mục tiêu tăng trương trong tương lai, ngành hậu cầu Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí trước các nước khác; cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam, bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.