Chủ nhật 22/12/2024 19:46

Hành trình khai mở nghề mỹ nghệ kim hoàn

Ở nước ta, nghề mỹ nghệ kim hoàn đã có từ hàng ngàn năm đã trở thành nghề cổ truyền cùng với bao nghề thủ công khác. Theo sử sách lưu lại, người có công khai sáng nghề kim hoàn là vị Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ, sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, thuở thiếu thời Tổ sư Cao Đình Độ là người rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục của đạo Nho. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng. Thế nhưng, niềm đam mê lớn trong ông là trở thành một người thợ Kim Hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, buộc ông lên đường "tầm sư học đạo". Để học được nghề, ông phải cải trang người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Bởi thời kỳ này chỉ có người Trung Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc.

Nghề mỹ nghệ kim hoàn đã có từ hàng ngàn năm

Tính hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm Kim Hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Mặc dù người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được bí quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo đủ sức tranh tài với những thợ Kim Hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.

Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, con trai ông - Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, ông có thu nhận đệ tử, truyền nghề cho họ. Làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn từ đó…

Mỹ nghệ Kim hoàn trở thành nghề cổ truyền cùng với bao nghề thủ công khác

Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Mặc dù còn được kế tục sự nghiệp của cha trong triều với chức quan Lãnh Binh, nhưng bằng cách nhìn nhạy bén của người trong nghề, Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian, không những thế, nghề Kim Hoàn sẽ bị thất truyền nếu ông chỉ quanh quẩn phục vụ trong cung vua. Cao Đình Hương quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình. Nghề kim hoàn ở miền Trung từ đó mà được nhân rộng.

Cảm phục tài nghệ và danh tiếng Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh, cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc (dưới thi Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Ròng rã suốt 11 năm truyền dạy cho các học trò, năm 1821, Ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề Kim Hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian.

Theo di chúc của thầy, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền ngược ra Thăng Long (Hà Nội) mở lò thu nhận đệ tử. Riêng anh em họ Huỳnh theo dòng người lập nghiệp xuôi vào phương Nam, đến Phan Thiết thì dừng chân, vừa thu nhận đệ tử truyền nghề, vừa để tưởng nhớ một người anh em của mình đã qua đời tại đây. Nghề kim hoàn ở Phan Thiết được khai sinh từ đó.

Ở miền Nam, nghề kim hoàn lúc ấy vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Theo ước nguyện của thầy, từ Thăng Long, anh em họ Trần bắt đầu cuộc hành trình xuôi vào Phương Nam. "Đất lành chim đậu", điểm dừng chân của họ là Gia Định - Chợ Lớn, nơi có thương cảng sầm uất, hội tụ thương hồ từ các tỉnh lân cận, kể từ Cao Miên (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan), đến buôn bán náo nhiệt. Ba ông chọn địa điểm cách Chợ Lớn khoảng một dặm (cảng Bình Đông ngày nay) mở lò thợ bạc tại đây lại có điều kiện phát triển rộng khắp.

Cả nước hiện còn có nhiều làng nghề mỹ nghệ kim hoàn nổi tiếng

Sau khi truyền nghề cho 36 lò thợ bạc ở Chợ Lớn, anh em họ Trần lại tiếp tục hành trình đến các tỉnh miền Tây, ngược qua Campuchia, Thái Lan… rồi qua đời ở đâu không ai biết. Nếu như tiền tổ họ Cao có công khai sáng nghề kim hoàn, thì họ Trần, Huỳnh chính là những người có công phổ biến nghề kim hoàn trên khắp đất nước, suốt từ Bắc vào Nam. Họ được người trong nghề tôn vinh là tổ sư đời thứ hai của ngành kim hoàn Việt Nam.

Mấy trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở Kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của Triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước và sau này vươn ra thế giới. Hiện ngoài làng nghề Kế Môn (Huế) cả nước còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương); Làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm - Hà Nội); Làng nghề kim hoàn ở Định Công (Hà Nội); Làng nghề dây chuyền Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh); Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình);… tại tiểu bang Texas (Mỹ) cũng có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn.

Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại "Tịnh Tâm Kim Cổ", trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị Tổ nghiệp, hằng năm, các thợ kim hoàn miền Trung (Huế) tổ chức lễ giỗ Tổ ông Cao Đình Độ vào ngày 27/2 (âm lịch). Tại làng Định Công (Hà Nội), giỗ Tổ sư họ Trần, Phan Thiết giỗ Tổ sư họ Huỳnh.

Quang Dương

Tin cùng chuyên mục