Hệ thống vệ tinh kho, bãi, dịch vụ logistics cần được quy hoạch gắn bó cận kề với các cảng biển |
Hệ thống các cảng cũ ở phía thượng nguồn sông Cấm (Hải Phòng) như cảng Nam Hải (GMD-HSX), Đoạn Xá (DXP-HSX), cảng Xanh (VSC-HSX), chùa Vẽ, Hoàng Diệu… nằm sát nội đô thành phố cũ sẽ dần di dời, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ đô thị mở rộng. Hệ thống cảng mới của Hải Phòng sẽ dịch chuyển dần về hạ lưu sông Cấm ra phía cửa biển, gồm các cảng mới xây dựng gần đây như cảng DVP (Đình Vũ), cảng VSC (VIP Green Port), cảng GMD (Nam Hải Đình Vũ), PHP (Tân Vũ), Tân Cảng Sài Gòn và cảng cửa ngõ Lạch Huyện…
Trong tương lai, khu vực Đình Vũ và Lạch Huyện sẽ trở thành hai vùng cảng tổng hợp và container chủ lực, thông quan cho khoảng 80% lượng hàng hóa qua Hải Phòng, phục vụ tới 60% hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) toàn miền Bắc. Kéo theo đó, nhu cầu phát triển hệ thống các kho bãi vệ tinh, cảng cạn, dịch vụ logistics…
Theo tổng kết của Cục Hải quan Hải Phòng (đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động XNK) thời điểm cả nước bước đầu tiếp cận cải cách kinh tế, chính sách quy hoạch còn đang dần hoàn thiện, trong khi sản lượng XNK liên tục tăng, nhu cầu sử dụng kho bãi vệ tinh để giảm tải cho các cảng cũng tăng, nhiều DN đã tự quyết định đầu tư và xin cấp phép hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng các kho, bãi, ICD… thường nằm dàn trải, dọc theo các cảng cũ ven sông Cấm, hiện tại từ khu vực cảng Vật Cách (phía thượng nguồn) ra đến bán đảo Đình Vũ (phía cửa biển) có 50 cảng (gồm cả cảng chuyên dùng), 19 địa điểm kiểm tra tập trung, kho hàng lẻ (CFS), 19 kho ngoại quan, 5 địa điểm là kho chứa gas và có tới hơn 100 kho, bãi chứa container và hàng hóa XNK, trong khi số lượng xin thành lập mới vẫn đang tiếp tục tăng. Vào những thời điểm tầu cập cầu để XNK hàng hóa, số lượng xe container lưu thông tăng cao trên hệ thống đường nội đô cũ nhỏ hẹp, liên tục xảy ra tình trạng ách tắc, đồng thời các hãng tầu cũng thường lựa chọn các cầu cảng mới, hiện đại, phía gần cửa biển để tiến hành XNK hàng hóa, vị trí này khá xa với hệ thống cảng cũ nên không thuận tiện đối với các chủ hàng muốn thuê kho bãi trung chuyển.
Tất cả những yếu tố bất lợi đó khiến hiệu quả hoạt động của hệ thống kho, bãi, vệ tinh cũ gần nội đô Hải Phòng cũng sụt giảm mạnh. Dù vậy, về nguyên tắc, cơ quan Hải quan vẫn phải bố trí nhân sự để giám sát, điều này gây khó khăn lớn cho công tác quản lý, vì công việc của ngành Hải quan ngày càng nhiều, trong khi biên chế mới không đáng kể, nguy cơ vi phạm, gian lận trong quản lý hàng hóa XNK rất cao.
Vừa qua, Tổng cục Hải quan Hải Phòng đã phải tạm dừng hoạt động một số kho ngoại quan trên địa bàn do hoạt động không hiệu quả. Hiện chỉ còn khoảng 15 cảng có hoạt động thường xuyên và 35 cảng chuyên dùng hoạt động khi có hàng hóa XNK…
Trước thực trạng trên, Cục Hải quan Hải Phòng đã kiến nghị UBND thành phố, trong tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống cảng của Hải Phòng, thành phố cần có quy hoạch cụ thể các vị trí ưu tiên cho xây dựng vùng dịch vụ vệ tinh, kho bãi, cảng cạn, dịch vụ logistics lưu giữ hàng hóa XNK, định hướng cho DN phát triển mới hoặc di dời các kho ra khu vực đã được quy hoạch, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với DN thực hiện theo quy hoạch.
UBND TP. Hải Phòng đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng, trong khi quy hoạch vùng phát triển các dịch vụ vệ tinh phục vụ cho hoạt động của các cảng còn chưa được phê duyệt. Đối với những DN xin cấp phép hoạt động cho các kho, bãi mới chứa hàng hóa XNK trên địa bàn, Cục Hải quan Hải Phòng phải báo cáo UBND thành phố, để kịp thời xác định vị trí phù hợp theo định hướng quy hoạch mở rộng đô thị hiện đại, các vùng dịch vụ cảng sẽ dịch chuyển vươn dần ra phía biển.