Gỡ vướng cho ngành sắn là tâm tư của hơn 1,2 triệu lao động
Với bà con vùng sâu, vùng xa chúng tôi, cây sắn là cây xoá đói giảm nghèo nhưng cây sắn còn là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau cây lúa, cây ngô và được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi khó khăn, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động trong ngành hơn 1,2 triệu người. Sắn và sản phẩm sắn là 1 trong 3 sản phẩm cây trồng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và được đưa vào danh sách cây chủ lực quốc gia.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hiện ngành sắn cũng khó khăn liên quan đến dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc đóng cửa, xuất khẩu chính ngạch với giá thấp do cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia, chuỗi cung ứng container không đáp ứng, dịch bệnh khảm lá sắn chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu... Ngoài ra, ngành sắn còn đang phải đối mặt với khó khăn khi bị dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản rất cao, ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động,...
Ngoài việc đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội liên quan đến hoàn thuế GTGT, Bộ trưởng khuyến nghị Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên quan tâm công tác nghiên cứu tiềm năng, nhu cầu sử dụng sản phẩm của các thị trường cũng như có chuyển đổi cần thiết.
Tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện Đề án xuất khẩu chính ngạch. Tiếp tục mở rộng thị trường để tránh phụ thuộc vào một số thị trường, giảm thiểu các rủi ro. Cùng đó cố gắng cao nhất hạn chế xuất thô, xuất tươi mà thay vào đó là các sản phẩm chế biến càng sâu càng tốt. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sắn Việt Nam.
Việc Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, đồng tình với những kiến nghị của Hiệp hội và đưa ra khuyến nghị và hướng đi mới cũng là tâm tư nguyện vọng của 1,2 triệu người lao động như chúng tôi hằng ngày gắn bó với cây sắn.